Hội Minh Thề được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 1/3 (tức 14 tháng Giêng âm lịch), tại chùa Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) diễn ra Hội Minh Thề năm 2018.

Theo báo Thanh niên, đây là lễ hội có giá trị lịch sử do Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn thời nhà Mạc khai sinh cách đây gần 500 năm, với mục đích răn dạy người làm quan khi làm việc công phải biết giữ gìn của công, lập quỹ giúp đỡ người nghèo.

Người dân địa phương đọc lời thề không tham nhũng. Ảnh: Báo Thanh niên

Sau hơn 1 thế kỷ bị gián đoạn, đến năm 2001, Hội Minh Thề được khôi phục với nghi thức chính là thề chí công vô tư, không tham ô, tham nhũng.

Hội Minh Thề gây được chú ý vì lời thề: “Lấy của công làm việc công thì được các vị thần linh ủng hộ, lấy của công làm việc tư, nguyện cầu các vị thần linh đả tử” góp phần giáo dục, định hướng nhân cách sống, người làm quan không được tham ô, người dân không tà tâm trộm cắp, gia đình làng xã thuận hòa… Với những giá trị kể trên, Hội Minh Thề đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại Hội Minh Thề Xuân Mậu Tuất 2018, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện lãnh đạo huyện Kiến Thụy (Hải Phòng).

Theo báo Đầu tư, phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, trên địa bàn thành phố còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa mang bản sắc dân tộc. Lễ hội Minh Thề và đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể là niềm vinh dự, tự hào và ghi nhận đóng góp của chính quyền và nhân dân huyện Kiến Thụy trong công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Giá trị tư tưởng của Lễ hội chính là bản sắc văn hóa riêng của TP. Hải Phòng. Bởi, lễ hội là do chính người dân Hải Phòng sinh ra nó, dựng nên, bảo tồn, duy trì cho đến ngày nay và trở thành Di sản văn hóa của quốc gia.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Hải Phòng có 1.134 di tích. Trong đó, có 482 di tích được xếp hạng các cấp, 02 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt là Di tích Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Danh lam thắng cảnh Cát Bà, 113 di tích cấp quốc gia, 367 di tích cấp thành phố; có 474 lễ hội với các loại hình và 5 lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Lễ hội chọi Trâu, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, Lễ hội Xa Mã, Lễ hội Vật làng Vĩnh Khê và Lễ hội Minh Thề.

Tú Linh (t/h)

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/hoi-minh-the-duoc-cong-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-98796