Hội nghị 3 bên về Syria: Chiến thắng cho Nga và ông al-Assad

Việc thành lập ủy ban soạn thảo hiến pháp của Syria dân chủ hóa và hợp pháp hóa Tổng thống Syria, giới phân tích cho hay.

Theo kênh Al Jazeera, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran thông báo việc thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp mới cho Syria là bước đi đầu tiên trong giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài 8 năm quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 16-9 cùng với người đồng cấp Vladimir Putin của Nga và Hassan Rouhani của Iran tham dự hội nghị thượng đỉnh về Syria lần thứ năm tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) kể từ khi ba nước này mở các cuộc đàm phán Astana cách đây ba năm.

Từ trái qua: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Ankara ngày 16-9. Ảnh: Anadolu

Cuộc họp ở Ankara tập trung vào vấn đề ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria – thành trì cuối cùng còn nằm trong tay nhóm nổi dậy. Lực lượng chính phủ Syria đã mở cuộc tấn công vào Idlib dưới sự yểm trợ của Nga và khiến hàng trăm người dân thiệt mạng, đồng thời đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ bằng làn sóng người tị nạn mới.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau một ngày đối thoại, ba nhà lãnh đạo Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ về việc thành lập một ủy ban hiến pháp bao gồm chính phủ Syria, phe đối lập và các thành viên xã hội dân sự.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, người ủng hộ nhiều nhóm đối lập khác nhau trong cuộc chiến Syria, cho hay những sáng kiến tiếp theo sẽ trở nên rõ ràng “trong những ngày tiếp theo”.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin nói: “Chúng tôi tin rằng công việc của ủy ban hiến pháp sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc bình thường hóa tình hình ở Cộng hòa Ả Rập Syria”.

“Chiến thắng cho Moscow và Al-Assad”

Ông Ahmet Evin, giáo sư danh dự tại ĐH Sabanci (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), nhận định ủy ban hiến pháp này sẽ có lợi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

“Việc soạn thảo hiến pháp về cơ bản thực hiện hai điều – dân chủ hóa chính phủ Syria trên bình diện quốc tế cũng như hợp pháp hóa chính phủ Syria. Tôi nghĩ Moscow đã trúng mục tiêu và đó là chiến thắng dành cho Moscow và ông al-Assad”, ông Evin nói.

Một người bị thương ngồi trên đống đổ nát sau trận không kích ở thị trấn Khan Sheikhun, Idlib, Syria. Ảnh: REUTERS

Ông Kamal Alam, một nhà phân tích quân sự chuyên về Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ở London (Anh), cho hay việc thành lập ủy ban hiến pháp “không thay đổi bất cứ điều gì”.

“Trong số ba quốc gia trên, Nga là bên chiến thắng rõ ràng ở đây. Iran lúc này giống như một người bị bỏ rơi trong khi Thổ Nhĩ Kỳ bị mắc kẹt giữa châu Âu, Mỹ và Nga. Nga đang ở thế thượng phong và điều đó có nghĩa là ông al-Assad và chính phủ Syria cũng ở trong một vị thế tốt hơn”, chuyên gia Alam nhận xét.

Theo ông Yahya al-Aridi, phát ngôn viên của Ủy ban Đàm phán Syria - khối đối lập chính trị chính, tất cả các bên tham gia xung đột Syria xem ủy ban hiến pháp này là “cánh cổng” để thông qua đó có thể đạt được một giải pháp chính trị.

Trong khi đối với chính phủ ông al-Assad và Nga, ủy ban hiến pháp được xem là “sự lên ngôi của các nỗ lực quân sự của họ”, ông al-Aridi lưu ý rằng đối với phe đối lập, đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm bảo vệ các quyền lợi của người dân Syria.

Tại hội nghị thượng đỉnh Ankara, một phần của tiến trình mở đường cho bầu cử ở Syria, Tổng thống Erdogan đã lên án việc dân thường bị giết chết ở Idlib – nơi 1.000 người đã thiệt mạng kể từ khi lực lượng chính phủ Syria bắt đầu tấn công vào tỉnh tây bắc này từ cuối tháng 4, theo như số liệu của Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, ông Putin và ông Rouhani nhấn mạnh sự hiện diện của “những kẻ khủng bố” như Hay'et Tahrir al-Sham (trước đây là chi nhánh của tổ chức Al-Qaeda) là lý do phải tiến hành các chiến dịch quân sự.

Bất chấp một lệnh ngừng bắn được thông qua hồi cuối tháng 8 ở Idlib, có một số báo cáo nói rằng lực lượng chính phủ Syria những ngày gần đây đã tiến hành cuộc tấn công pháo binh và bố ráp trên không.

Bị mắc kẹt trong cuộc chiến này là 3 triệu dân thường sinh sống trong khu vực. Hàng vạn người hiện giờ tập trung gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để trốn chạy khỏi cuộc chiến và hướng về phía nam.

Thổ Nhĩ Kỳ, nơi tiếp nhận 3,6 triệu người Syria, lo ngại cuộc chiến có thể tạo ra dòng người tị nạn mới và các tay súng.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại về các nối đe dọa đặt ra cho binh sĩ nước này đóng tại 12 trạm quan sát được thiết lập xung quanh Idlib cũng như vùng lãnh thổ do người Kurd ở Syria kiểm soát dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã nhất trí thiết lập một hành lang dọc biên giới với khu vực đông bắc do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ bảo trợ kiểm soát.

Ankara xem SDF là nhóm khủng bố và là cánh tay nối dài của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) – lực lượng mở chiến dịch vũ trang bên trong Thổ Nhĩ Kỳ 35 năm nay.

Dù vậy, SDF có được sự hỗ trợ của Mỹ sau khi dẫn đầu cuộc chiến trên bộ chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và nhóm vũ trang Levant.

Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng đưa những người tị nạn Syria trở về khu vực đông bắc, nơi mà Ankara muốn lập một vùng đệm 30 km vào lãnh thổ Syria.

Một thành viên phe nổi dậy khai hỏa vào lực lượng trung thành với chính phủ Syria ở Idlib. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Iran Rouhani và Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải chiến đấu chống “chủ nghĩa khủng bố” ở Idlib và tại các khu vực khác của Syria, nhắm thẳng vào quan điểm của Ankara đối với SDF.

Theo ông Selim Sazak, nhà nghiên cứu tại ĐH Brown (Mỹ), lời cảnh báo của ông Erdogan rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đơn phương hành động chống SDF nếu Mỹ không chấp nhận yêu cầu của nước này ở đông bắc Syria trong hai tuần nữa cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã có sự hỗ trợ của Nga.

“Thổ Nhĩ Kỳ, ông Assad, Nga và Iran tạo ra một nghị quyết bốn bên ở Syrira. Thổ Nhĩ Kỳ với việc ra thời hạn hai tuần cho Mỹ và nếu người Mỹ kéo chân họ, họ sẽ đi với Nga”, ông Sazak nhận định.

“Thỏa thuận lớn”

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã củng cố mối quan hệ quốc phòng và năng lượng của họ trong những năm gần đây với việc Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan nhiều lần gặp nhau trong năm nay.

Ankara gần đây mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, khiến Mỹ tức giận.

“Sẽ không có bất kỳ phản ứng nào về vấn đề này ở Mỹ bởi vì Mỹ từng có một chính sách Trung Đông tồi và giờ lại không có chính sách về Trung Đông”, ông Evin nói.

Các nhà lãnh đạo Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề nghị các cuộc đàm phán Astana giờ đây có thể được sử dụng làm khuôn mẫu cho các cuộc xung đột trong khu vực, chẳng hạn như ở Yemen.

“Điều này đem đến cho Nga cơ hội khiến nước này trở thành một tác nhân giải quyết xung đột và cường quốc quan trọng trong một khu vực nơi mà Mỹ đã thất bại”, ông Evin nói thêm.

Trong khi đó, ông Sazak cho rằng hội nghị thượng đỉnh ở Ankara có thể báo trước những bước đột phá trên khắp khu vực.

“Nếu chúng ta nheo mắt lại chúng ta có thể nhìn thấy một thỏa thuận lớn ở Trung Đông. Nó có thể giải quyết vấn đề của mọi người – không làm tất cả mọi người hài lòng nhưng sẽ đem lại thứ mà mọi người có thể sống cùng”, ông Sazak nói.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chuyen-gia/hoi-nghi-3-ben-ve-syria-chien-thang-cho-nga-va-ong-alassad-858808.html