Hội nghị AIPA 41: Nhất trí cao, kịp thời hưởng ứng

Với chủ đề 'Ngoại giao Nghị viện vì Cộng đồng ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng' của Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) diễn ra từ ngày 8-10/9 tại Hà Nội, cùng với chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020, biểu thị sự nhất trí và hưởng ứng kịp thời của AIPA và các Nghị viện thành viên AIPA đối với Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN trong việc vượt qua mọi khó khăn, thúc đẩy đoàn kết, hợp tác, vì một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Đại hội đồng AIPA 41. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Đại hội đồng AIPA 41. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Để đạt được mục tiêu đề ra, các quốc gia nói chung cần có sự phối kết hợp giữa Quốc hội và Chính phủ. Tuy vai trò, nhiệm vụ của hai cơ quan là khác nhau song lại liên quan chặt chẽ và có sự bổ trợ cho nhau, một bên là thúc đẩy, hỗ trợ mục tiêu và một bên thực hiện, biến mục tiêu thành hiện thực. Quốc hội sau đó cũng chính là cơ quan kiểm tra, giám sát mục tiêu đề ra mà Chính phủ đang thực hiện.

Mối quan hệ bổ trợ chặt chẽ như vậy cho thấy vai trò của ngoại giao nghị viện trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các chính phủ, thúc đẩy, thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn chiến lược mà lãnh đạo các nước đã thống nhất.

Sự nhất trí và hưởng ứng kịp thời

Chủ đề “Ngoại giao Nghị viện vì Cộng đồng ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng” của AIPA 41 được các nước hoan nghênh và đánh giá là phù hợp khi nhấn mạnh vai trò của các Nghị viện thành viên ASEAN với tư cách là tiếng nói của người dân và sự cần thiết phải đoàn kết và nhanh chóng phản ứng trước các vấn đề cấp bách, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đúng như phát biểu của Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines Raneo E. Abu, Đại hội đồng AIPA 41 có lẽ sẽ là một trong những Đại hội đồng đáng nhớ nhất kể từ khi AIPA được thành lập ngày 2/9/1997. AIPA 41 mang tính lịch sử không chỉ vì việc tổ chức bằng hình thức trực tuyến lần đầu tiên, mà vì Đại hội đồng lần này còn được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt với những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra.

Hầu hết lãnh đạo Nghị viện các nước đều cho rằng, khu vực ASEAN hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế chưa có tiền lệ. Đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm đến nay đã buộc rất nhiều nước trong khu vực phải đương đầu với một số thách thức mới và khó khăn. Ngoài sức ép lớn đối với cơ sở hạ tầng y tế và sức khỏe cộng đồng, đại dịch này đang tàn phá cuộc sống, xã hội và các nền kinh tế.

Trong phát biểu chào mừng tại Đại hội đồng AIPA 41, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Cộng đồng ASEAN có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc có phục vụ và đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích thiết thực của người dân hay không. Hơn bao giờ hết, đây là lúc AIPA tiếp tục đóng góp cho các nỗ lực thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, liên kết và hợp tác quốc tế, thượng tôn pháp luật, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Hội nghị AIPA 41 lần này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 và định hướng phát triển sau năm 2025, ứng phó hiệu quả với những biến động phức tạp của môi trường quốc tế, khu vực và các thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra.

Phiên họp của Ủy ban xã hội theo hình thức trực tuyến.

Cùng sẻ chia, cùng phát triển

Tại các phiên họp toàn thể, các hội nghị Nghị sĩ trẻ và nữ Nghị sĩ, và cuộc họp các Ủy ban của AIPA, các đại biểu đại diện Nghị viện các nước hoan nghênh những sáng kiến của ASEAN trong năm 2020 nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN; đặc biệt ủng hộ những nỗ lực hợp tác của ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19 trong kiểm soát lây lan, chăm sóc, điều trị và khắc phục hậu quả đại dịch.

Chia sẻ những kinh nghiệm chống Covid-19 thành công, đại diện các đoàn cũng nhấn mạnh, AIPA cần tiếp tục quyết tâm củng cố môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, thống nhất trong đa dạng, nêu cao pháp quyền, lấy người dân làm trung tâm, đoàn kết, thống nhất, thông qua đẩy mạnh hợp tác pháp luật, tăng cường giám sát, ủng hộ chính phủ các nước ASEAN trong ứng phó với những tình huống khẩn cấp như đại dịch Covid-19; thúc đẩy thực hiện các sáng kiến xây dựng Cộng đồng kinh tế tự chủ tự cường, ủng hộ ASEAN chủ động ứng phó, kiểm soát hiệu quả đại dịch đi đôi với khôi phục nền kinh tế; thúc đẩy phê chuẩn các thỏa thuận kinh tế khu vực, nhất là sớm ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực trong năm 2020 và mở rộng phát triển quan hệ với các đối tác bên ngoài ASEAN.

AIPA và các Nghị viện thành viên AIPA cần đoàn kết vượt qua thách thức, chung tay ủng hộ Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 trên mọi lĩnh vực. Một trong những việc cần làm ngay là hợp tác để phát triển vaccine ngừa Covid-19 và bảo đảm quyền tiếp cận vaccine của người dân; kêu gọi phát huy vai trò và sự tham gia mạnh mẽ hơn của các nghị sỹ trẻ AIPA, tăng cường giao lưu, đoàn kết, cũng như sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN...

Trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41, Hội nghị Nữ Nghị sĩ (WAIPA), Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA theo sáng kiến của Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA lần này và phiên họp của các Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội sẽ được tổ chức.

Ở cả trong nước và khu vực, các nghị sĩ AIPA có đủ điều kiện để tiếp cận người dân các nước ASEAN và đóng vai trò trung gian giữa họ với các nhà hoạch định chính sách. Với tư cách là tổ chức Nghị viện hàng đầu của khu vực, AIPA có vị thế tốt để thúc đẩy quá trình hội nhập ASEAN và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển các cam kết khu vực thành các đạo luật của từng quốc gia. Tương tự, AIPA giữ vai trò trụ cột trong việc xúc tiến phê chuẩn các hiệp định mà ASEAN đã ký kết, sửa đổi các đạo luật và quy định trong nước theo các ưu tiên của khu vực, đồng thời giám sát việc thực thi các đạo luật này. Phó Tổng Thư ký ASEAN Kung Phoak

Việt Nam và vai trò dẫn dắt trong AIPA

Theo Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là lần thứ ba Quốc hội Việt Nam vinh dự đảm nhận trọng trách Chủ tịch AIPA và đăng cai Đại hội đồng AIPA 41. Sự kiện này khẳng định vai trò, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam và sứ mệnh quốc tế của AIPA trong các cơ chế hợp tác đa phương, là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các nghị sỹ của dân, do dân và vì nhân dân mà chúng ta đang cùng nhau gánh vác.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã có sự hợp tác chặt chẽ, bổ sung lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ lập pháp, hành pháp vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, cũng như thực hiện các nhiệm vụ của Tầm nhìn ASEAN 2025.

Kể từ khi gia nhập AIPA năm 1995, Quốc hội Việt Nam đã đóng góp quan trọng cho Đại hội đồng. Quốc hội Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm thông qua việc hai lần tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng AIPO 23 (từ ngày 8-13/9/2002) và Đại hội đồng AIPA 31 (từ ngày 19-25/9/2010). Trong tổng số 33 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp AIPO 23 có 20 nghị quyết do Việt Nam đề xuất và điều quan trọng là những ý tưởng của Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trong đó có các sáng kiến sử dụng quỹ dư của AIPO vào các hoạt động thiết thực; trao giải thưởng cho những người có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp AIPO…

Năm 2007, Việt Nam đề xuất tổ chức các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và cơ quan lập pháp thành viên AIPA. Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội vào tháng 4/2010, theo sáng kiến của Việt Nam, cuộc họp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện AIPA đã được tổ chức để bàn về các biện pháp tăng cường hợp tác giữa AIPA và ASEAN. Với việc tổ chức thành công hội nghị này, tính chính thức trong quan hệ giữa AIPA và ASEAN đã được nâng lên một bước phát triển mới.

Năm 2020, Quốc hội Việt Nam với tư cách là Chủ tịch AIPA 41 đã chủ động tổ chức các hoạt động của AIPA dưới hình thức phù hợp do tính phức tạp của dịch Covid-19. Bên cạnh nội dung thông thường của các Ủy ban Kinh tế, Chính trị, Xã hội, Việt Nam đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc thành lập cơ chế Hội nghị nghị sĩ trẻ; thảo luận về dịch Covid-19, tìm giải pháp chung để tháo gỡ về hậu quả do dịch bệnh gây ra; kết nối hoạt động của AIPA với hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU)...

Với tư cách nước chủ nhà AIPA 41, Việt Nam đã đóng vai trò dẫn dắt và đóng góp quan trọng vào sự thành công của các sự kiện. Trước AIPA 41, trong tháng 6 và tháng 7, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo ASEAN và Lãnh đạo AIPA trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 36, cuộc họp thứ ba Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy và Đối tác nghị viện về hợp tác Giáo dục và Văn hóa vì sự phát triển bền vững. Trang mạng Foreignaffairassia nhận định, việc tổ chức AIPA 41 và các hoạt động liên quan là một điểm nhấn trong công tác đối ngoại của Quốc hội Việt Nam trong lần thứ ba đảm nhiệm cương vị Chủ tịch AIPA.

Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai nói rằng, ASEAN không thể buông lỏng sự đoàn kết trước bất kỳ mối đe dọa đang hiện hữu nào. “Nếu Nghị viện mạnh, nhánh hành pháp sẽ mạnh. Nếu AIPA được củng cố, ASEAN theo đó sẽ được tiếp thêm sức mạnh”, ông nói. Những nỗ lực đóng góp và sáng kiến mang tính xây dựng của Việt Nam lần này đã ghi dấu ấn đậm nét trong các hoạt động của Đại hội đồng AIPA 41, góp phần tăng cường tính thiết thực, hiệu quả của hoạt động ngoại giao nghị viện, qua đó giúp củng cố vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hòa bình, an ninh và ổn định luôn là yếu tố quan trọng trong thúc đẩy phát triển và tăng trưởng của khu vực. AIPA cần ưu tiên việc giải quyết hòa bình, tránh căng thẳng, tự kiềm chế và khuyến khích các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của tổ chức này. Các nghị viện thành viên của AIPA cần khuyến khích các nước thành viên ASEAN ủng hộ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 trong việc xác định các quyền hàng hải, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển. Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) cần được xây dựng như một nền tảng được các bên đồng thuận cho các cuộc đối thoại và tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc về Biển Đông với hy vọng tiến trình tốt đẹp đó có thể được phản ánh trên thực tế. Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-aipa-41-nhat-tri-cao-kip-thoi-huong-ung-123438.html