Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

Sáng 21/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Các đồng chí chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị; cùng tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 700 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; đại diện lãnh đạo các thường trực tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...

Báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2023 nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của đất nước, trong đó có những thách thức chưa từng có tiền lệ, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực. Thông tin về hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước; thông tin về các sự kiện đối ngoại trở thành điểm nổi bật trong bức tranh tuyên truyền tổng thể. Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có chuyển biến rõ nét từ tư duy đến nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền. Tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả cao. Tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngang tầm với tuyên truyền phát triển kinh tế theo đúng định hướng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021.

Các tập thể, trong đó có Báo Bắc Giang, đạt thành tích xuất sắc trong thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023 được nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí ngày càng phát huy kết quả tích cực, có nhiều chuyển biến rõ nét trong năm 2023, trong đó, chú trọng lấy tính thuyết phục làm thước đo hiệu quả chỉ đạo, định hướng thông tin. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng thực chất, tạo khí thế, động lực mới. Việc chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động báo chí được triển khai quyết liệt, đồng thời với đó là chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để hỗ trợ báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng…

Điểm nhấn nổi bật trong năm 2023 là Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các cơ quan liên quan xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28/02/2023 về “trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỉ luật lãnh đạo cơ quan báo chí”, thay thế Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/08/2007 của Ban Bí thư khóa X về “quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỉ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí” nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước mới ban hành; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với cán bộ làm công tác báo chí.

Quy định số 101-QĐ/TW xác định rõ các hành vi, tính chất, mức độ vi phạm trong việc chấp hành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan hoạt động báo chí để đưa ra hình thức xử lí kỉ luật về Đảng đối với những hành vi vi phạm chưa có chế tài cụ thể xử lí. Đồng thời, đây cũng là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã kịp thời ban hành Hướng dẫn số 116-HD/BTGTW để triển khai thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW.

Nhằm đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Báo chí năm 2016, đánh giá, phân tích thực trạng về công tác quản lí nhà nước và hoạt động báo chí trong 6 năm thi hành Luật Báo chí; qua đó, thấy được sự phát triển vượt bậc, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại đã làm cho hành lang pháp lí về báo chí chưa bao quát hết được thực tiễn, bộc lộ những hạn chế, bất cập dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động lên kế hoạch, xây dựng, trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan và ban hành Kế hoạch số 316-KH/BTGTW ngày 29/6/2023 về Kỉ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam; khẳng định sự quan tâm, chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân đối với báo chí; đề xuất những nội dung phương hướng cho báo chí trong thời gian tới. Kế hoạch ban hành với các nội dung tổng thể bao gồm các sự kiện ở tầm quốc gia; các hội thảo, hội nghị, tọa đàm quan trọng; yêu cầu về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị ở Trung ương, địa phương trong việc triển khai các hoạt động kỉ niệm.

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lí, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lí báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet.

Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lí thông tin ngày càng quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn bảo đảm để báo chí giữ thế định hướng chủ động, đặc biệt đối với công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hoạt động đối ngoại, công tác bảo vệ chủ quyền, các sự kiện trọng đại của đất nước; nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời đối với các trường hợp thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, biểu hiện không bám sát tôn chỉ, mục đích; kiên quyết xử lí các trường hợp thông tin sai sự thật, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các cuộc họp giao ban công tác chỉ đạo, quản lí hoạt động báo chí; tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề giữa cơ quan chỉ đạo với các cơ quan quản lí nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí nhằm quán triệt, chấn chỉnh dấu hiệu “báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí.

Duy trì thực hiện phương thức “quản lí theo số lớn”, trong đó việc sử dụng công nghệ để đo đếm, đánh giá hoạt động báo chí để nắm bắt, nhận biết các xu thế thông tin, phát hiện các biểu hiện cần có sự điều chỉnh kịp thời.

Tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương đến địa phương tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” để hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; xác định rõ trách nhiệm của người làm báo trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thắp lên ngọn lửa tri thức và lòng nhân ái trong toàn xã hội; tiến hành tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về vấn đề chuyển đổi số báo chí, kinh tế báo chí, bản quyền báo chí trên không gian mạng,…

Công tác quản lí của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí trực thuộc đã bám sát thực tiễn hơn. Nhiều cơ quan chủ quản thuộc các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo, tăng cường bảo đảm điều kiện hoạt động đối với cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan chủ quản được làm việc trực tiếp với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lí về trách nhiệm chủ quản báo chí theo quy định.

Bên cạnh kết quả đạt được là chủ yếu, công tác báo chí năm 2023 còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí cũng như đời sống báo chí - truyền thông hiện nay; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, toàn diện cho năm 2024 và trong giai đoạn tới. Hội nghị thống nhất nhận định, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Điều này đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí phát huy hơn nữa những kết quả trong năm 2023; khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ, nhìn chung trong năm 2023, báo chí đã làm “tốt hơn năm trước rất nhiều” trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị: nhanh hơn, kịp thời hơn, đặc biệt có nhiều sản phẩm báo chí rất xúc động, sâu sắc và chia sẻ hơn. “Khả năng cạnh tranh của báo chí có những tiến bộ rất đáng kể. Công tác quản lý ngày một chuẩn mực, mạnh mẽ và tiến bộ hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu một số hạn chế, tồn tại, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước nhiều khó khăn, thách thức, nhiều điều khó đoán định, các cơ quan báo chí, người làm báo phải đồng hành tốt và kịp thời hơn để chia sẻ khó khăn với số đông mọi người trong xã hội, có trách nhiệm hơn trong định hướng dư luận. Các cơ quan báo chí tiếp tục sắp xếp cơ quan theo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025. Từng đơn vị báo chí sắp xếp lại tổ chức bộ máy mạnh, gọn và chuyên nghiệp để sản phẩm hấp dẫn hơn.

Đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu khi hiện có 63% đơn vị đạt mức yếu trong chuyển đổi số năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường khả năng cạnh tranh của từng cơ quan báo chí và cạnh tranh với các phương tiện truyền thông khác để hay hơn, hấp dẫn hơn, thu hút quảng cáo, đảm bảo chi phí hoạt động.

Phó Thủ tướng mong muốn, mỗi nhà báo tiếp tục là một người tử tế để có các sản phẩm tử tế; luôn học hỏi từ các lớp tập huấn, chương trình công tác… và chính đồng nghiệp của mình, ở trong và ngoài nước; từ đó mỗi nhà báo bản lĩnh, trách nhiệm và tích cực hơn. Các cơ quan chủ quản trách nhiệm, sâu sắc hơn và tăng cường kiểm tra giám sát. Phó Thủ tướng chia sẻ tính hài hòa, cân đối giữa ngân sách nhà nước và nguồn thu của đơn vị tự chủ với nguyên tắc bảo đảm đời sống, tạo điều kiện trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, ưu tiên cho hoạt động đổi mới và sáng tạo. Trong từng cơ quan báo chí, có những cơ chế chính sách để khuyến khích sự cạnh tranh tích cực trong từng nhà báo, từng tòa soạn với nhau.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đến công tác tài chính cho các cơ quan báo chí để thúc đẩy, khuyến khích và bảo đảm báo chí hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích; tháo gỡ cơ chế chính sách về tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, quy định liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí...

Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 33 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2023. Trong đó, Báo Bắc Giang là một trong những đơn vị đạt được những thành tích nổi bật trong năm 2023.

Theo Tạp chí Tuyên Giáo

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/416778/hoi-nghi-bao-chi-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-nam-2023-trien-khai-nhiem-vu-nam-2024.html