Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Sáng ngày 5/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2021; triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Khai mạc Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022

Khai mạc Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022

Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương. Dự Hội nghị tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố có Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Hội nghị cũng sẽ được nghe báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2021…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết hội nghị sẽ tập trung phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, khẳng định những ưu điểm và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; đồng thời, đề xuất những giải pháp khắc phục, thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, nhất là Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành tham dự Hội nghị.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành chuẩn bị có giải trình, làm rõ thêm các vấn đề cần thiết mà các địa phương quan tâm, mong muốn, yêu cầu và đề xuất. Các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu, chỉ đạo thêm về những lĩnh vực được phân công phụ trách. Từ các ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị, Chính phủ sẽ tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, báo cáo, dự thảo Nghị quyết để ban hành và thực hiện ngay từ ngày đầu tiên của năm 2022.

Hội nghị được nghe Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2021, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự ủng hộ, đồng hành và giám sát của Quốc hội, sự chia sẻ, ủng hộ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ phù hợp với diễn biến tình hình, tạo đột phá về bao phủ vắc xin, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Ước cả năm đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84% so với năm trước; các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế tăng 2,58%. Thu ngân sách Nhà nước cả năm đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt dự toán (16,4%); bội chi ngân sách Nhà nước ước dưới 4%, thấp hơn so với dự toán Quốc hội quyết định (4% GDP).

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; trong đó xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2021 tăng 9,2%, đặc biệt vốn tăng thêm tăng mạnh trên 40% thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam...

Trong năm qua, Chính phủ cũng tập trung hơn cho công tác xây dựng thể chế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Năm 2022, bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển," với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 171 nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả 15 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội. Chính phủ đề ra 82 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực bên cạnh 15 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao.

Chính phủ cũng xây dựng Nghị quyết, tập trung về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 nhằm nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19...

Việt Hoàng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/hoi-nghi-cua-chinh-phu-voi-cac-dia-phuong-trien-khai-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2022-344142.html