Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến 2 dự án luật

Ngày 6-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tổ chức Hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách để thảo luận về 2 dự án luật: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Chiến Thắng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc thảo luận các nội dung 2 dự thảo luật tại Hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo trình QH xem xét, thông qua là hoạt động hết sức có ý nghĩa. Điều đó tiếp tục khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của đại biểu QH hoạt động chuyên trách trong việc nâng cao chất lượng các dự thảo văn bản trình QH. Trong thời gian qua, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực chuẩn bị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH tại Kỳ họp thứ 5 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để đưa ra thảo luận và sẽ được tiếp tục hoàn thiện trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH, với sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo dự thảo Luật quy định, có 12 hành vi tham nhũng: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lạm quyền trong thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi…

Về chủ trương mở rộng phạm vi áp dụng luật ra khu vực ngoài Nhà nước, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình vì cho rằng điều đó giúp tạo sự công bằng giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân trong ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành vì cho rằng khó áp dụng. Có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước khi họ tham gia các dự án có vốn, tài sản Nhà nước. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị dự luật cần có những quy định cụ thể về phát huy vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng vì trên thực tế thời gian qua, báo chí đã khẳng định được vai trò hết sức quan trọng của mình trong phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, đa số ý kiến đồng tình với dự Luật, nhưng cần phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp. Có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản sang cả bố, mẹ, vợ, chồng, con của người thuộc diện kê khai với mục tiêu tránh trường hợp để người thân đứng tên sở hữu tài sản. Quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải thích được hợp lý về nguồn gốc, các đại biểu tán thành phương án đưa ra tòa án phán quyết, đây là phương án tốt nhất để bảo đảm quyền về tài sản của công dân, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, tránh áp đặt mệnh lệnh hành chính.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoi-nghi-dai-bieu-quoc-hoi-hoat-dong-chuyen-trach-cho-y-kien-2-du-an-luat/