Hội nghị G20 đưa y tế vào trọng tâm nghị sự

Tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) năm 2017, y tế trở thành nội dung được bàn thảo tại chương trình nghị sự, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2017 thu hút sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G20, các nước khách mời gồm: Việt Nam, Singapore, Tây Ban Nha, Na Uy, Hà Lan, Guinea (Chủ tịch Liên minh châu Phi), Senegal (Chủ tịch Tổ chức Đối tác mới cho phát triển châu Phi - NEPAD). Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo các tổ chức quốc tế hàng đầu như LHQ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hoạt động của Hội nghị G20 tại Hamburg.

Toàn cảnh Hội nghị G20

Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối,” Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của kinh tế toàn cầu như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, tài chính quốc tế, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, năng lượng, hỗ trợ châu Phi, di cư, y tế, việc làm, số hóa và phụ nữ...

Hội nghị G20 đưa y tế vào trọng tâm nghị sự

Tại phiên thảo luận về vấn đề y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh G20 năm nay đưa y tế vào trọng tâm nghị sự và ủng hộ thúc đẩy hợp tác tăng cường hệ thống y tế toàn cầu. Đồng thời chỉ ra 4 vấn đề cần quan tâm hợp tác trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Kinh tế, lao động và y tế bang Mecklenburg Vorpommern, CHLB Đức Harry Glawe ký bản Tuyên bố ý định chung hợp tác nguồn nhân lực y tế.

Thứ nhất là tăng cường hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa, phòng chống các dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm. Là thành viên Hội đồng Chấp hành của WHO, Việt Nam đã đóng góp có trách nhiệm vào xây dựng các chiến lược, chính sách lớn về y tế toàn cầu. Thứ 2, cần chú trọng xây dựng mạng lưới bao phủ y tế toàn dân để bảo đảm cho mọi người dân đều tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các thành viên G20 và các tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực cho phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Thứ 3, cần tăng cường đầu tư cho y tế, Việt Nam đề nghị các nước G20 và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển huy động các nguồn vốn đầu tư cho y tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Thứ 4, Việt Nam hoan nghênh G20 cam kết thúc đẩy hợp tác chống kháng kháng sinh trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đang triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc. Năm 2015, Việt Nam và một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế đã ký Thỏa thuận đa ngành về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam.

Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực y tế

Cũng trong chuyến thăm Đức và dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam và Đức đã ký kết 28 thỏa thuận với tổng giá trị lên tới 1,5 tỷ euro, bên cạnh đó hai nước cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Một trong những thỏa thuận được ký kết giữa Bộ y tế Việt Nam và Bộ Kinh tế, lao động và y tế bang Mecklenburg Vorpommern, CHLB Đức về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực y tế nhằm đáp ứng như cầu nguồn nhân lực y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Đức. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Kinh tế, lao động và y tế bang Mecklenburg Vorpommern, CHLB Đức Harry Glawe đã cùng ký Bản tuyên bố ý định chung.

Theo đó, Việt Nam sẽ đưa các lực lượng chuyên môn của mình sang đào tạo tại Bang Mecklenburg-Vorpommern trở thành điều dưỡng viên; Xây dựng mô hình đào tạo điều dưỡng theo chương trình của Đức dành cho học viên Việt Nam tại Việt Nam; Xây dựng Trường đào tạo nguồn nhân lực y tế Việt – Đức tại Việt Nam, mở đầu bằng chương trình đào tạo điều dưỡng viên.

Bên cạnh lĩnh vực đào tạo nguổn nhân lực, Việt Nam và Đức mong muốn sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực y tế khác.

Sau chuyến thăm Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Vương quốc Hà Lan từ ngày 9/7-11/7, theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte. Dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Ngân hàng thế giới sẽ ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Bản ghi nhớ với mục tiêu hợp tác ưu tiên giữa Việt Nam và Hà Lan trong việc góp phần xây dựng một kế hoạch hành động để tăng cường hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam, với sự phối hợp chặt chẽ của Nhóm Ngân hàng Thế giới phù hợp với nhiệm vụ, khuôn khổ đối tác quốc gia và chính sách của Nhóm này. Theo đó, Hà Lan có thể huy động chuyên gia hàng đầu để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực và cơ sở hạ tầng cho hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam bằng cách xây dựng một hệ thống phòng thí nghiệm tham chiếu quốc gia để tạo ra một cơ quan tham vấn hoặc chẩn đoán độc lập; Xây dựng thể chế và quy trình thủ tục ở Việt Nam để nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong chuỗi thức ăn; nâng cao vị thế của Việt Nam với tư cách là nhà sản xuất và xuất khẩu thực phẩm và thực phẩm đã chế biến có chất lượng cao và bền vững, đạt các tiêu chuẩn quốc tế….

Hải Yến

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/hoi-nghi-g20-dua-y-te-vao-trong-tam-nghi-su-n133792.html