Hội nghị hòa bình Libya: Các bên nhất trí về một giải pháp chính trị toàn diện

Phát biểu tại cuộc họp báo tối 19/1 sau khi kết thúc Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết tất cả các bên tham gia đã nhất trí về một giải pháp chính trị toàn diện để giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi.

Đặc phái viên LHQ tại Libya Ghassan Salame, Tổng Thư ký LHQ António Guterres, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (từ trái sang) trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya ở Berlin ngày 19/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đặc phái viên LHQ tại Libya Ghassan Salame, Tổng Thư ký LHQ António Guterres, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (từ trái sang) trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya ở Berlin ngày 19/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiến trình ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu họp báo bên cạnh Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Đặc phái viên LHQ tại Libya Ghassan Salame, Thủ tướng Merkel cho biết các bên tham gia hội nghị đã tiến hành đàm phán một cách hợp tác, nghiêm túc và kết quả đạt được tại hội nghị đã góp phần quan trọng vào nỗ lực thúc đẩy hòa bình cho Libya.

Nhà lãnh đạo Đức cũng nêu rõ hội nghị tại Berlin không thể giải quyết ngay mọi vấn đề ở Libya, song đây là bước tiến đầu tiên hướng tới hòa bình cho người dân nơi đây. Bà cũng cho biết cuộc gặp ở Berlin đã tạo lập được quyết tâm của các bên nhằm hướng tới những bước đi tiếp theo, trong đó các bên đã nhất trí về một tiến trình ràng buộc với trách nhiệm của các bên liên quan trong việc hướng tới và thực thi một lệnh ngừng bắn toàn diện.

Tại cuộc họp báo, TTK LHQ Guterres và Đặc phái viên LHQ Salame cũng phát biểu đánh giá cao nỗ lực "rất đáng được ghi nhận" của Thủ tướng Merkel trong việc tổ chức hội nghị. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Maas cho rằng những thỏa thuận đã được nhất trí ở Berlin không thể giúp ích cho hòa bình Libya nếu các bên xung đột ở quốc gia Bắc Phi không hợp tác và không tạo ra các tiền đề hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Libya. Ông Maas cũng cho biết hội nghị tiếp theo về Libya sẽ đặt ra những những bước đi cần thiết để đạt được một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở nước này.

Duy trì lệnh cấm vận vũ khí, chấm dứt hỗ trợ quân sự

Trước đó, đại diện các nước và tổ chức quốc tế tham gia Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya tổ chức ngày 19/1 tại Berlin (Đức) đã nhất trí duy trì lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ) cũng như chấm dứt hỗ trợ về quân sự cho các bên xung đột ở Libya.

Toàn cảnh Hội nghị quốc tế về Libya tại thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn các nguồn tin cho biết, các bên tham gia đã nhất trí trong một Tuyên bố kết thúc hội nghị, theo đó, cộng đồng quốc tế sẽ đẩy mạnh việc giám sát lệnh cấm vận vũ khí ở Libya.

Trước hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Ngoại trưởng Heiko Maas đã có cuộc gặp riêng rẽ với hai bên xung đột chính ở Libya là người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được LHQ công nhận tại Libya, ông Fayez al-Sarraj và người đứng đầu lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền Đông nước này Tướng Khalifa Haftar.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã kêu gọi châu Âu cần tăng cường can dự nhằm mang lại hòa bình cho Libya, trong đó có việc tham gia giám sát lệnh cấm vận vũ khí với quốc gia Bắc Phi này. Theo ông Borrell, châu Âu cần tham gia nhiều hơn nữa vào tiến trình hòa bình ở Libya, đặc biệt trong việc kiểm soát lệnh cấm vận vũ khí, bởi khó có thể kỳ vọng lệnh ngừng bắn được bảo toàn khi các dòng vũ khí vẫn được đưa vào Libya một cách khó kiểm soát. Hiện Hy Lạp và Italy đã tuyên bố sẵn sàng tham gia sứ mệnh của EU kiểm soát lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Libya.

Trong khi đó, bên lề hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc hội đàm trực tiếp. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh ý nghĩa của việc duy trì lệnh ngừng bắn ở Libya, đồng thời kêu gọi các bên xung đột ở Libya duy trì thỏa thuận này. Trước đó, Tổng thống Erdogan đã kêu gọi Tướng Haftar kiềm chế các hành động ở Libya. Theo Tổng thống Putin, các hành động chiến sự trên thực địa đã tạm lắng và đây là sự khởi đầu tốt đẹp, làm nền tảng cho hội nghị ở Berlin và tiến trình hòa bình ở quốc gia này.

Về phần mình, sau cuộc gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn và một cơ chế giám sát thỏa thuận hiệu quả. Ông Pompeo cũng kêu gọi tiếp tục để LHQ thực hiện giám sát tiến trình chính trị ở Libya cũng như chấm dứt sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc nội chiến ở quốc gia Bắc Phi.

Để đảm bảo an ninh cho hội nghị, Đức đã triển khai khoảng 4.500 cảnh sát quanh khu vực diễn ra sự kiện bị phong tỏa, thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khách sạn và đại sứ quán có lãnh đạo các nước tham gia hội nghị. Một lệnh cấm bay quanh khu vực trung tâm Berlin cũng đã được áp đặt.

Mạnh Hùng – Anh Đức (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/hoi-nghi-hoa-binh-libya-cac-ben-nhat-tri-ve-mot-giai-phap-chinh-tri-toan-dien-20200120065630821.htm