Hội nghị - hội thảo

Ngày 28-8, Bộ Y tế phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo 'Triển vọng nghiên cứu phát triển vắc-xin phòng bệnh cho người ở Việt Nam' nhằm đánh giá quá trình triển khai thực hiện Đề án khung của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia vắc-xin phòng bệnh cho người.

Chương trình hiện có chín dự án nghiên cứu phát triển các vắc-xin: Viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero; Hib cộng hợp; bại liệt bất hoạt; DTP có thành phần ho gà vô bào; cúm mùa; thương hàn vi cộng hợp; vắc-xin phối hợp 5 trong 1; nghiên cứu, sản xuất một số loại vắc-xin mẫu chuẩn quốc gia dùng cho kiểm định vắc-xin; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc-xin sởi đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 12 loại vắc-xin và đến năm 2030 có 14 loại vắc-xin được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị kéo dài Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia vắc-xin phòng bệnh cho người đến năm 2025 thay vì đến năm 2020 như kế hoạch ban đầu.

* Ngày 28-8, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo “Kết quả thống kê đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và đề xuất hoàn thiện công tác thống kê đổi mới sáng tạo ở Việt Nam”. Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra bốn loại hình đổi mới sáng tạo chính, bao gồm: Đổi mới sản phẩm; đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị; đổi mới tổ chức quản lý; đổi mới tiếp thị. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ những nguyên nhân cơ bản cản trở việc triển khai thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo như: Chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ quá cao làm doanh nghiệp không thể đáp ứng; thiếu nhân lực có đủ trình độ chuyên môn cho các hoạt động đổi mới công nghệ; thiếu hỗ trợ, khuyến khích từ các chính sách...

* Ngày 28-8, tại Hà Nội, Trường đại học Thương mại phối hợp một số trường đại học trong nước và quốc tế tổ chức hội thảo quốc tế: “Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0: Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế Việt Nam”. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm các vấn đề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Cơ chế, chính sách quản lý nhà nước trong bối cảnh cách mạng 4.0; ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý hành chính, cung ứng dịch vụ công và Chính phủ điện tử; đổi mới mô hình phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam; hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển xuất khẩu bền vững...

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/37458702-hoi-nghi-hoi-thao.html