Hội nghị - hội thảo

Sáng 19-10, Bộ Công an tổ chức Hội nghị công bố kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân (CAND) năm 2018 và sơ kết công tác xây dựng, áp dụng và duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 trong lực lượng CAND, giai đoạn 2013 - 2018.

Đây là năm thứ ba Bộ Công an tổ chức xác định Chỉ số cải cách hành chính trong toàn lực lượng. Theo quy định của Bộ Công an, kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính được Bộ trưởng Công an phê duyệt là một trong các tiêu chí để xét thi đua hằng năm của công an các đơn vị, địa phương. Kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 đã ghi nhận những nỗ lực của toàn lực lượng trong lĩnh vực này. Theo đó, giá trị trung bình trong công tác cải cách hành chính của công an các đơn vị, địa phương ở mức cao (85,56%), tăng 3,54% so với năm 2017. Trong đó, tám địa phương có Chỉ số cải cách hành chính đạt kết quả xuất sắc; 55 đơn vị, địa phương đạt kết quả tốt; 10 đơn vị, địa phương đạt kết quả khá và ba đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

* Ngày 19-10, tại TP Hạ Long, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo chia sẻ báo cáo đánh giá giữa kỳ Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 và phương hướng nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình. Đại diện các bộ, ngành, các cơ quan đánh giá độc lập và Ban Dân tộc 16 tỉnh đã chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm và thảo luận những giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình 135 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020.

Chương trình 135 là chính sách dân tộc quan trọng, hỗ trợ tương đối toàn diện cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, được triển khai thực hiện từ năm 1998. Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 sau ba năm triển khai thực hiện đã từng bước tạo được chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn đặc thù, góp phần giảm tỷ lệ nghèo bình quân cả nước còn 6,72%. Trong năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã giảm 3 đến 4% so với năm 2016.

* Ngày 19-10, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Biến đổi dân số, di dân và phát triển bền vững”. Các tham luận trình bày tại hội thảo tập trung đề xuất những định hướng nghiên cứu, giải pháp chính sách kết hợp hài hòa giữa quá trình phát triển bền vững với những biến đổi dân số tại Việt Nam. Theo đó, tình trạng di cư trong nước nhất là lao động từ nông thôn ra đô thị là hiện tượng phổ biến nhất nước ta, các vùng xuất cư chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”; dân số trẻ, nhiều lao động; mức sinh khá ổn định quanh mức thay thế… nhưng thời kỳ “dân số vàng” lại rất ngắn chỉ còn khoảng dưới 10 năm. Vì vậy, để phát triển bền vững, cần tận dụng tốt tiềm năng dân số cũng như hạn chế, ứng phó với những tác động không thuận lợi của biến động nhân khẩu học.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37977302-hoi-nghi-hoi-thao.html