Hội nghị - hội thảo

Ngày 12- 6, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận T.Ư phối hợp Trường đại học Ngoại thương tổ chức hội thảo quốc gia Đổi mới thể chế để phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm; kinh nghiệm của một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam.

Các tham luận trình bày tại hội thảo tập trung vào các nội dung như: Thị trường, nhà nước và cộng đồng với tăng trưởng sáng tạo và bao trùm của Việt Nam; cải cách thể chế tạo điều kiện để phát triển các ngành lợi thế tự do hóa thương mại; vai trò của Nhà nước đối với quản lý phát triển xã hội trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay; Nhà nước kiến tạo thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam…

Đáng chú ý, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển trong xây dựng nhà nước kiến tạo đối với việc phát triển kinh tế tư nhân, các chuyên gia trong nước và nước ngoài cho rằng, Việt Nam cần tích cực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp tư nhân. Tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trên cơ sở hỗ trợ thị trường phát triển, coi trọng vai trò của nền kinh tế thị trường; đẩy nhanh và mạnh Chính phủ điện tử để minh bạch hóa thị trường; chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt; đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao…

* Sáng 12-6 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, phối hợp Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức hội thảo công bố Chỉ số công khai ngân sách tỉnh năm 2018 (POBI).

POBI là một sáng kiến quốc gia, lần đầu được xây dựng ở Việt Nam vào năm 2017, do CDI và VEPR thực hiện chính, với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam, trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách nhà nước”. POBI là công cụ giúp các tỉnh, thành phố nhận diện mức độ công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) theo tinh thần Luật NSNN năm 2015.

Kết quả POBI 2018 cho thấy mức độ công khai NSNN của 63 tỉnh và thành phố năm 2018 đã cải thiện hơn so với năm 2017 cả về sự quan tâm của các địa phương và về các chỉ số thành phần, như tính minh bạch, đầy đủ, kịp thời và sự thuận tiện trong tiếp cận thông tin NSNN địa phương.

Năm 2018, có sáu tỉnh lọt vào nhóm công khai đầy đủ (nhóm A, điểm xếp hạng từ 75-100) trong khi năm 2017 không có tỉnh nào; còn 32 tỉnh nằm dưới mức xếp hạng trung bình. Bắc Ninh là tỉnh đứng đầu danh sách các tỉnh công khai các loại tài liệu khuyến khích với 87.5 điểm.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40519702-hoi-nghi-hoi-thao.html