Hội nghị 'Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho Phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam'

Ngày 15/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội, Hội nghị 'Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho Phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam' sự kiện thuộc 'Tuần lễ Đổi mới sáng tạo' do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (International Development Innovation Alliance - IDIA) đã diễn ra.

Tham dự hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam...; đại diện quốc tế Đại sứ Australia tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, đại diện các cơ quan thành viên của IDIA... Hội nghị cũng thu hút khoảng 250 đại biểu từ Bộ, ngành trong nước, quốc tế, đưa ra khuyến nghị giúp Việt Nam tận dụng cơ hội cuộc cách mạng 4.0.

Hội nghị là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và các đối tác quốc tế trao đổi về cách thức mà khoa học (KH), công nghệ (CN) và đổi mới sáng tạo thực sự có thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, tăng cường liên kết với mạng lưới Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế lần đầu tiên nhóm tập hợp tại Việt Nam - gồm các tổ chức thành viên từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, các quỹ hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo (từ các nhà tài trợ đa phương (WB, UNDP) đến các nhà tài trợ song phương quan trọng (như Tổ chức viện trợ Australia, USAID,Tổ chức viện trợ Vương quốc Anh... ) cũng như các tổ chức tư nhân lớn (như Quỹ Rockefeller và Quỹ Bill & Melinda Gates). Tại đây, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới, Data61 và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc - UNDP đã đưa ra những tham luận chia sẻ về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với sự phát triển kinh tế xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, từ đó đưa ra khuyến nghị giúp Việt Nam tận dụng cơ hội cuộc cách mạng 4.0.

Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho Phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam”

Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho Phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam”

Trước thềm hội nghị, xoay quanh việc lựa chọn KH, CN và đổi mới sáng tạo là trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết: KH, CN và đổi mới sáng tạo là một trụ cột phát triển kinh tế không phải là sáng kiến của riêng ai. Đây là một quá trình đánh giá sự phát triển của các quốc gia trên thế giới. Có thể điểm lại năm “con hổ” châu Á thoát khỏi bẫy thu nhập thấp và thu nhập trung bình nhờ dựa vào KH, CN và đổi mới sáng tạo. Những quốc gia này phải chuyển đổi từ quá trình phát triển kinh tế dựa trên lao động giá rẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt chuyển sang phát triển dựa trên hấp thụ công nghệ và tiếp đến là phát triển dựa trên sáng tạo công nghệ tạo ra tài sản trí tuệ, tạo thành nguồn nhiên liệu mới giúp cho phát triển kinh tế - xã hội.

Điều này thể hiện càng rõ trong thời đại ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của KH, CN, của sự hội tụ công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi KH, CN và đổi mới sáng tạo phải trở thành nền tảng cốt lõi của phát triển. Đảng, Chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm đến vị trí, vai trò của KH, CN như là một động lực trong quá trình phát triển đất nước.

Hiện nay, trước những yêu cầu và thách thức mới, Việt Nam tiếp tục lựa chọn KH, CN và đổi mới sáng tạo là một trong những trụ cột để phát triển. Trong quá trình đó, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp của bạn bè trên thế giới, các quốc gia hàng đầu về đổi mới sáng tạo, các tổ chức tài trợ về đổi mới sáng tạo, các quỹ hàng đầu, như: Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu, Quỹ Rockefeller… trong việc trao đổi các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của KH, CN và đổi mới sáng tạo đóng góp ngày càng thực chất hơn vào phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng nhấn mạnh, trong tuần lễ “Tuần lễ Đổi mới sáng tạo” sẽ có một phiên trao đổi, thảo luận của các đại biểu về vấn đề làm thế nào để KH, CN và đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam nhận được sự tham vấn của các chuyên gia về đổi mới sáng tạo cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Thông qua việc phân tích những kịch bản, cơ hội, thách thức với Việt Nam; những kinh nghiệm ứng phó của quốc tế, các chuyên gia đã tham luận trong Hội nghị, các khuyến nghị giúp Việt Nam giảm thiểu những thách thức và tận dụng cơ hội, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đặt ra cho mỗi quốc gia những thách thức. Nếu không theo kịp và nắm bắt thành tựu của tri thức nhân loại để biến thành nguồn lực, quốc gia sẽ bị tụt hậu.

Có thể thấy, thời gian vừa qua Bộ Khoa học & Công nghệ đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đã hỗ trợ khởi nghiệp trên khắp các tỉnh thành và đã có hàng nghìn doanh nghiệp mới khởi nghiệp thành công. Đồng thời, đẩy mạnh Đề án 844 (Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025) góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Liên minh Đổi mới phát triển quốc tế (IDIA) là mạng lưới hợp tác, tập hợp các chuyên gia cao cấp từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, quỹ hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo.

IDIA có 13 thành viên, bao gồm: Chính phủ Australia (đại diện là InnovationXchange - một đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia); Bộ Ngoại giao Canada; Chính phủ Đức; Quỹ Bill & Melinda Gates; Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Fund); Tổ chức Grand Challenges Canada; Quỹ Rockefeller; Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế của Thụy Điển (Sida); Bộ Phát triển quốc tế (DFID); Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP); Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Ngân hàng Thế giới (WB).

Các thành viên IDIA họp hằng năm tại các nước khác nhau để trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và xác định các cơ hội hợp tác phát triển các sản phẩm và phương pháp mới nhằm tăng cường hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở cấp quốc gia.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-nghi-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-mot-tru-cot-cho-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-viet-nam-119663.html