Hội nghị Lãnh đạo ASEAN với khủng hoảng Myanmar: Bước khởi đầu cần thiết

Khủng hoảng ở Myanmar không còn là chuyện riêng của quốc gia mà là vấn đề của quốc tế, khu vực. Với cách tiếp cận phù hợp, ASEAN đã mở cánh cửa đầu tiên và sẽ tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, trung gian.

Với cách tiếp cận phù hợp, ASEAN đã mở cánh cửa đầu tiên và sẽ tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, trung gian, nỗ lực thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận, đối thoại để giải quyết khủng hoảng, vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực. (Nguồn: AA)

Với cách tiếp cận phù hợp, ASEAN đã mở cánh cửa đầu tiên và sẽ tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, trung gian, nỗ lực thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận, đối thoại để giải quyết khủng hoảng, vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực. (Nguồn: AA)

Đông thuận 5 điểm - bước khởi đầu quan trọng

Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN kết thúc ngày 24/4, với Tuyên bố chủ tịch gồm 3 nội dung chính: xây dựng Cộng đồng, phòng chống đại dịch Covid-19 và các vấn đề quốc tế, khu vực được quan tâm.

Lãnh đạo 9 nước thành viên ASEAN và Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự ở Myanmar, đã đạt được đồng thuận 5 điểm về khủng hoảng Myanmar bao gồm: chấm dứt bạo lực, đối thoại xây dựng giữa các bên, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy đối thoại, cung cấp hỗ trợ nhân đạo, chuyến thăm Myanmar của đặc phái viên và phái đoàn ASEAN.

Thế giới, khu vực quan ngại và phân hóa về cuộc khủng hoảng. Các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao, lên án đảo chính, kêu gọi chấm dứt bạo lực không mấy tác dụng. Biểu tình vẫn diễn ra, bạo loạn vẫn tiếp tục, thường dân vẫn bị bắt, bị chết.

Trong tình hình Myanmar hiện nay, 5 nội dung thỏa thuận đều rất cấp thiết, trong đó quan trọng nhất vẫn là chấm dứt ngay bạo lực, chấp nhận đối thoại và vai trò trung gian giải quyết khủng hoảng của ASEAN. Đó là điều kiện tiên quyết, mở đường cho các bước tiếp theo.

Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên đi đến một kết quả cụ thể, mở ra hy vọng giải quyết khủng hoảng ở Myanmar. Trước đó, chính quyền quân sự đã từ chối đề nghị của Liên hợp quốc cử đại diện đến thăm Myanmar. Thế giới, khu vực quan ngại và phân hóa về cuộc khủng hoảng. Các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao, lên án đảo chính, kêu gọi chấm dứt bạo lực không mấy tác dụng. Biểu tình vẫn diễn ra, bạo loạn vẫn tiếp tục, thường dân vẫn bị bắt, bị chết.

Không ít ý kiến nghi ngờ, lo ngại về vai trò, vị thế trung tâm của ASEAN do khủng hoảng ở Myanmar. Một lần nữa, nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của các nước và nguyên tắc đồng thuận lại được bình luận với những hàm ý khác nhau. Rồi nữa, mời Thống tướng Min Aung Hlaing có phải là công nhận tính hợp pháp của chính quyền đảo chính và gạt chính phủ dân sự được bầu ra rìa hội nghị?

ASEAN đã vượt qua những thách thức đó. Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị ASEAN dung hòa các ý kiến thảo luận, giữ được sự đoàn kết và nguyên tắc mà vẫn thể hiện được những nội dung quan trọng, cấp thiết nhất.

Tiến trình còn dài với nhiều vật cản

Cánh cửa đầu tiên đã mở nhưng cũng còn những cánh cửa khác, với các vật cản từ bên trong và bên ngoài.

Thứ nhất, “hai tay mới vỗ thành tiếng”. Hội nghị ASEAN mới là thỏa thuận giữa lãnh đạo 9 nước với lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar. Phe dân sự đối lập chấp nhận thỏa thuận như thế nào? Có chấp nhận đối thoại không? Là những câu hỏi chưa dễ giải đáp.

Thực tế, Chính phủ thống nhất quốc gia (NUG) bao gồm đại diện của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, các sắc tộc và các nghị sĩ được bầu đã đưa ra 4 điều kiện tiên quyết, “không thể thỏa hiệp” là: chấm dứt bạo lực (có trong thỏa thuận), khôi phục quyền của các nhà lãnh đạo và nghị sĩ được bầu, trong đó có bà Aung San Suu Kyi; rút binh sĩ khỏi các đường phố; trả tự do cho các tù nhân chính trị (không được đưa vào thỏa thuận).

Ghi nhận 5 điểm là một chuyện, còn hành động thực sự thế nào lại là chuyện khác. Khó nói trước về tiến trình tiếp theo.

Chính quyền quân sự khó chấp nhận điều kiện thứ hai và thứ tư. Bởi chấp nhận cũng có nghĩa là tự phủ nhận lý do cuộc chính biến. Hơn nữa, nếu không bị loại bỏ, thì Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ nhiều khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử mới.

Thứ hai, Thống tướng Min Aung Hlaing dự Hội nghị, để gián tiếp thể hiện tính “chính danh” và thiện chí giải quyết khủng hoảng của chính quyền quân sự. Thực tế, ông lắng nghe ý kiến các bên mà không đưa ra một cam kết ràng buộc nào. Với những lo ngại về hậu quả lâu dài nếu chấp nhận nhượng bộ, việc ghi nhận 5 điểm là một chuyện, còn hành động thực sự thế nào lại là chuyện khác. Khó nói trước về tiến trình tiếp theo.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền tại Myanmar Tom Andrews cũng có phần quan ngại khi bày tỏ mong muốn: kết quả Hội nghị “sẽ thực sự xảy ra chứ không nằm trên giấy” hay như lời của Tiến sĩ Sasa, Bộ trưởng Hợp tác quốc tế, người phát ngôn của NUG “chờ hành động của họ”.

Thứ ba, nội bộ NUG chưa hẳn đã thống nhất. Ngoài chấm dứt bạo lực, khôi phục chính quyền dân sự, thì mỗi đảng đối lập, mỗi sắc tộc còn có mục đích riêng. Tiến sĩ Sasa nói thỏa thuận của Hội nghị ASEAN là “thông tin đáng khích lệ”.

Nhưng một số thành viên tham gia biểu tình cho rằng hội nghị chỉ là “lời nói từ bên ngoài”, không thể tha thứ cho việc giết người và sẽ tiếp tục biểu tình, đình công cho tới khi chính quyền quân sự sụp đổ…

Việc chấp nhận đối thoại với chính quyền quân sự đã khó, nhưng thống nhất thành phần đại diện, lập trường, mục tiêu đàm phán của phe đối lập còn khó hơn. Chỉ một hành động quân sự đáp trả của một bộ tộc, hành vi khiêu khích, kích động của người biểu tình, thì bạo lực lại bùng phát và đối thoại sẽ rơi vào bế tắc.

Ngoài ra, không thể không tính tới tác động của nhân tố bên ngoài, có quan hệ, lợi ích với các phe, phái ở Myanmar.

Quan trọng, nhưng chưa đủ

Khủng hoảng ở Myanmar không còn là chuyện riêng của quốc gia mà là vấn đề của quốc tế, khu vực. Với cách tiếp cận phù hợp, ASEAN đã mở cánh cửa đầu tiên và sẽ tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, trung gian, nỗ lực thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận, đối thoại để giải quyết khủng hoảng, vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực.

Bước đi đầu tiên rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Cần một kế hoạch với những dấu mốc và hành động thực tế của tất cả các bên. Các nước ASEAN cần quan tâm đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là phối hợp chặt chẽ tại diễn đànLiên hợp quốc, cùng Việt Nam (nước hiện đang là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an), vận động các đối tác ủng hộ, hỗ trợ nỗ lực của ASEAN tìm kiếm, thúc đẩy giải pháp phù hợp, khả thi, cân bằng, thực chất cho khủng hoảng ở Myanmar.

Tác động của ASEAN, cộng đồng quốc tế sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đầy khó khăn này. Nhưng quyết định nhất vẫn là nỗ lực của cả hai bên ở Myanmar. Điều kiện đưa ra của cả hai bên còn cách xa nhau, cần nhiều thời gian và sự nhượng bộ hợp lý. Dù vậy, đối thoại vẫn tốt hơn là để khủng hoảng phát triển thành nội chiến. Hy vọng các bên ở Myanmar thấu hiểu điều này.

Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-lanh-dao-asean-voi-khung-hoang-myanmar-buoc-khoi-dau-can-thiet-143492.html