Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Ngày 06/5/2019, tại Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á và trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát triển vùng KTTĐ phía Nam thành vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững

Hiện nay, Việt Nam đang có 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) là vùng KTTĐ Bắc Bộ (gồm 7 tỉnh, thành phố), miền Trung (5 tỉnh, thành phố), phía Nam (8 tỉnh, thành phố) và vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long (4 tỉnh, thành phố). Bốn vùng KTTĐ này với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên và 27% dân số cả nước, đóng góp 89% GDP đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng KTTĐ đã báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng KTTĐ phía Nam và kết quả thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng.

Theo Báo cáo, năm 2018, tổng GRDP của toàn vùng đạt khoảng 2,517 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,42% GDP của cả nước và chiếm 50,9% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm. Quy mô GRDP của 4 tỉnh, thành phố là: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm 87,64% GRDP của vùng KTTĐ phía Nam, trong đó riêng thành phố Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 49,5% GRDP vùng và gần 23% giá trị GDP của cả nước.

Quyết định của Chính phủ từ năm 2014 về quy hoạch tổng thể phát triển vùng KTTĐ phía Nam định hướng đến năm 2030 đã xác định phát triển vùng KTTĐ phía Nam thành vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vùng đang có xu hướng lùi trở lại, giai đoạn 2016-2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước, trong khi những năm 2011-2015 gấp khoảng 1,5 lần. Tỉ trọng ở 2 ngành mũi nhọn là công nghiệp, dịch vụ cũng giảm dần theo từng năm so với cả nước. Bên cạnh đó, tốc độ thu hút vốn FDI và quy mô vốn FDI cũng đang giảm dần…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu một số tồn tại hạn chế của vùng KTTĐ phía Nam thời gian gần đây như tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội có xu hướng chậm lại, cán cân thương mại không ổn định, xuất khẩu giảm so với nhập khẩu, sự gia tăng dân số cơ học cao dẫn đến sự quá tải của hạ tầng, công tác điều phối chưa có cơ chế đủ mạnh, kết nối hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa thực sự đóng vai trò là trung tâm trung chuyển của vùng…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, vùng KTTĐ phía Nam muốn phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu kinh tế của cả nước, thì phải thống nhất quan điểm phát triển vùng là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt, hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng. Phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính.

Đây là vùng KTTĐ lớn nhất và năng động của cả nước, đã xuất hiện nhiều mô hình mới trong cải thiện môi trường đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nhất là phát triển công nghiệp, dịch vụ. Các kinh nghiệm về phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các địa phương trong vùng đã là những bài học quý giá cho nhiều địa phương trong cả nước học tập. Tuy nhiên những lợi thế của vùng chưa được phát huy hết nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng, sự liên kết vùng chưa chặt chẽ, chính sách cho phát triển vùng thiếu đột phá…

Tháo gỡ các điểm nghẽn tạo điều kiện thuận lợi để vùng KTTĐ phía Nam phát huy hết tiềm năng

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào những vấn đề như cơ chế quản lý điều phối và chính sách thúc đẩy tăng trưởng, phát triển vùng, liên kết phát triển hạ tầng giao thông, logistics, chất lượng nguồn nhân lực... Từ đó, các đại biểu đưa ra những khuyến nghị, giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, những cách làm mới, đột phá, tạo điều kiện thuận lợi để vùng KTTĐ phía Nam phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, tiếp tục đóng vai trò là vùng động lực, một đầu tàu kinh tế của cả nước.

Một số ý kiến phát biểu tại Hội nghị cho rằng, các địa phương trong vùng cần chọn các chương trình liên kết và ký kết thỏa thuận hợp tác, đóng góp kinh phí để triển khai như dự án xây dựng đường giao thông, cần có cơ chế phân công hợp tác trong vùng, cùng thống nhất các dự án nào cần ưu tiên đầu tư trước.

Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổng hợp để soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng KTTĐ phía Nam, làm cơ sở tổ chức thực hiện. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là vùng kinh tế năng động bậc nhất của Việt Nam, là trung tâm thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Đây cũng là nơi khởi nguồn cho những đột phá kinh doanh lúc bắt đầu mở cửa đất nước. Những lợi thế của vùng chưa được phát huy hết nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng. Kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, chất lượng phát triển đô thị còn thấp, bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Cơ chế, chính sách cho phát triển vùng còn chưa được hoàn thiện, thiếu đột phá, còn thiếu sự liên kết vùng, vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", dẫn tới không thể liên kết mạnh mẽ được, công tác phối hợp giữa các địa phương trong vùng còn rất hạn chế. Là một vùng kinh tế động lực, nhưng chỉ số PCI, PAPI trong những năm gần đây còn chưa cao, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế, đang là rào cản, cản trở sự phát triển của vùng.

Hình thức cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành trong vùng KTTĐ phía Nam vẫn mang nặng tính tự phát và chỉ dừng lại ở mức cam kết bằng các thỏa thuận giữa lãnh đạo các địa phương, công việc triển khai mang tính toàn vùng còn ít. Sự phát triển lớn mạnh của vùng là do nỗ lực của các tỉnh, thành phố chứ không phải do việc thành lập vùng mà có.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, vùng KTTĐ phía Nam đã được gọi là vùng trọng điểm thì phải có cơ chế chính sách hoạt động đặc thù cho toàn vùng để bảo đảm sự phát triển thuận lợi, thực hiện sứ mệnh đầu tàu dẫn dắt các vùng kinh tế khác. Các tỉnh, thành phố trong vùng phải rà soát lại, chỉ đạo quyết liệt từng chỉ tiêu, có biện pháp đồng bộ để bố trí đội ngũ cán bộ xứng tầm trong triển khai thực hiện, nhất là những mũi nhọn quan trọng.

Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp gắn kết giữa các địa phương trong và ngoài Vùng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đào tạo, thu hút và tạo việc làm, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội cho vùng phục vụ cho công tác dự báo và phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là tại các khu đô thị để tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội và tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Tạo điều kiện về không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác. Tôn vinh các dự án và lên án đấu tranh đối với các doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh, tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm... làm cho môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi. Đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng và cơ cấu ngành hợp lý. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tạo cơ hội cho hộ nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về đất đai, tín dụng, dạy nghề, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân.

Kiểm soát hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản; thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng nước, xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước thải, hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải nguy hại tại các đô thị, các khu công nghiệp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư và các hạng mục dự án sân bay quốc tế Long Thành đã được giao. Thủ tướng nêu rõ, phấn đấu trong năm 2020 phải khởi công công trình này. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng bảo đảm chất lượng./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=43145&idcm=56