Hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn chính thức khai mạc

Lần đầu tiên ba nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật – Hàn đã có cuộc đối thoại trực tiếp để mở rộng hợp tác hướng tới một thị trường tự do và rộng mở hơn.

Cuộc đối thoại lịch sử giữa ba nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật - Hàn tại Trại David. (Ảnh: AFP)

Theo đó, ngày 18/8 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản đã có cuộc gặp tại Trại David để khai mạc hội nghị thượng đỉnh ba bên để tập trung vào việc tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh.

Đây là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn - Nhật đầu tiên trong lịch sử, bởi các cuộc gặp ba bên trước đó đều diễn ra bên lề các sự kiện đa phương.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã được cải thiện thời gian gần đây sau một thời gian dài tranh cái liên quan đến vấn đề nhân đạo tại Thế chiến II.

Trước đó, hồi tháng 3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên sau 12 năm.

Trở lại với hội nghị thượng đỉnh 3 bên, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: "Các quốc gia của chúng ta mạnh hơn và thế giới sẽ an toàn hơn khi chúng ta sát cánh cùng nhau. Và tôi biết đây là niềm tin mà cả ba cùng chia sẻ"

Ông Biden cũng đã bày tỏ sự cảm ơn tới hai nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc về quyết định tham dự hội nghị thưởng định lịch sử này.

Mục tiêu chung được đưa ra là xây dựng một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. (Ảnh: Reuters)

Sau cuộc gặp, các bên đã ra tuyên bố chung với tên gọi Tinh thần của Trại David nhấn mạnh một kỷ nguyên mới của đối tác ba bên trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, cuộc khủng hoảng khí hậu, cuộc xung đột ở Ukraine và các hành động hạt nhân thách thức cả ba nước.

Cả ba sẽ tăng cường phối hợp chiến lược giữa liên minh Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn và đưa hợp tác an ninh ba bên lên tầm cao mới. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh rằng, mục tiêu chung của cả 3 quốc gia sẽ là xây dựng một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Bên cạnh đó, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tái khẳng định vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN cũng như sự ủng hộ của ba nước đối với cấu trúc khu vực do ASEAN đứng đầu. Cả ba sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác ASEAN nhằm thực hiện Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Giới phân tích cho rằng với động thái của Mỹ thì Washington đang muốn là “cầu nối” để làm sâu sắc hơn mối quan hệ vừa được hàn gắn giữa hai đồng minh thân cận, đồng thời tạo dấu ấn trong quan hệ đối ngoại.

Các chuyên gia nhận định rằng yếu tố chính khiến Hàn Quốc và Nhật Bản xích lại gần nhau sau nhiều năm căng thẳng là các biến động gần đây về an ninh trong khu vực như tình hình của Triều Tiên hay hành động quyết liệt của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan và nhóm đảo đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo là Senkaku/Điếu Ngư.

Tuấn Khang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-ba-ben-my-nhat-han-chinh-thuc-khai-mac-348938.html