Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu: Nhiều quốc gia nâng mức cắt giảm phát thải

Mỹ và các quốc gia khác đã tăng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, diễn ra từ ngày 22 đến 23-4 theo hình thức trực tuyến.

Lãnh đạo các quốc gia dự Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ chủ trì theo hình thức trực tuyến. Ảnh: AP

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 40 quốc gia, bao gồm các quốc gia phát thải lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Tổng thống Joe Biden đã công bố mục tiêu cắt giảm khoảng 50%-52% lượng khí thải so với mức của năm 2005, tức tăng gần gấp đôi so với cam kết cắt giảm 26%-28% lượng khí thải của cựu Tổng thống Barack Obama.

Là quốc gia phát thải nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, Mỹ đang nỗ lực khôi phục vị trí lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút xứ Cờ hoa khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hồi tháng 11-2020.

Phát biểu trực tuyến từ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden khẳng định, đây là thập kỷ để các quốc gia đưa ra những quyết định nhằm tránh những hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu. Việc cắt giảm khí thải của Mỹ dự kiến sẽ được thực hiện tại các nhà máy điện, ô tô và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Các mục tiêu theo ngành cụ thể sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Mục tiêu cắt giảm khí thải của Mỹ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong kế hoạch quy mô hơn của Tổng thống Joe Biden nhằm hướng đến tham vọng trung hòa carbon vào năm 2050. Đây cũng là kế hoạch có thể tạo ra hàng triệu việc làm với mức lương cao dù nhiều đảng viên Cộng hòa lo ngại sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã nâng mục tiêu cắt giảm khí thải của Nhật Bản lên 46% vào năm 2030, tăng từ mức 26% ban đầu. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường kêu gọi mức cắt giảm ít nhất 50%, trong bối cảnh Nhật Bản vẫn ủng hộ việc sử dụng than.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nâng mục tiêu quốc gia lên mức cắt giảm trong khoảng 40%-45% vào năm 2030, tăng mạnh so với cam kết 30% trước đó.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng công bố mục tiêu môi trường đầy tham vọng, tuyên bố quốc gia này sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đã đề ra trước đó.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc kỳ vọng lượng khí thải carbon sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 và quốc gia này sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Cũng theo Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ giảm dần việc sử dụng than từ năm 2025.

Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Mỹ chủ trì là cuộc họp đầu tiên giữa lãnh đạo các quốc gia thuộc Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các quốc gia phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trước các cuộc đàm phán thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc tại Scotland vào tháng 11 năm nay. Sự kiện tại Scotland cũng là thời hạn cuối cùng để gần 200 quốc gia cập nhật các cam kết về khí hậu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/997171/hoi-nghi-thuong-dinh-khi-hau-nhieu-quoc-gia-nang-muc-cat-giam-phat-thai