Hội nghị trực tuyến tăng cường hội nhập quốc tế

Ngày 23/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Quốc gia về hội nhập quốc tế chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Quảng Ninh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng quan về hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2014-2019, trọng tâm hội nhập quốc tế đến năm 2021; báo cáo kết quả hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng giai đoạn 2014-2019 và trọng tâm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng đến năm 2021; báo cáo kết quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2014-2019 và trọng tâm hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2021; báo cáo kết quả hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và các lĩnh vực khác giai đoạn 2014-2019 và trọng tâm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và các lĩnh vực khác đến năm 2021.

Tham gia phát biểu tại điểm cầu Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Quảng Ninh nằm trong vùng kinh tế phía Bắc của Việt Nam, có đường biên giới trên bộ, trên biển với nước bạn Trung Quốc; đồng thời có di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Do vậy rất thuận lợi cho kết nối vùng, hội nhập kinh tế quốc tế. Triển khai nghiêm túc các nghị quyết, quyết định của Trung ương về hội nhập quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các nghị quyết, thành lập ban chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Đồng chí khẳng định, trong thời gian qua, Quảng Ninh đã tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế với các địa phương của các nước trong khu vực có tương đồng về phát triển kinh tế, văn hóa, như: Quảng Tây, Phúc Kiến (Trung Quốc); tổ chức quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam; tỉnh Irkutsk (Liên bang Nga); tỉnh Karlovy Vary (Cộng hòa Séc); 3 tỉnh Bắc Lào (Luangprabang, Xayabury, Huaphanh)… Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh tham gia tích cực các sự kiện quốc tế, gần đây nhất là tổ chức thành công Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) 2019 tại TP Hạ Long.

Quảng Ninh cũng tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, có tính kết nối khu vực và quốc tế như: Tuyến cao tốc kết nối Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và khởi công tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu tăng theo từng năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam qua Trung Quốc. Trong năm 2018, tỉnh đón 5,2 triệu lượt khách quốc tế trong tổng số 12,2 triệu lượt khách đến Quảng Ninh và dự kiến sẽ còn tăng nhanh khi tới đây sẽ mở một số đường bay mới tới Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng như phát huy hiệu quả của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại hội nghị.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực; huy động các nhà đầu tư xây dựng các trường học, bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế; nghiêm túc rà soát, thực hiện các bản cam kết, ghi nhớ trong các buổi làm việc giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh của nước ngoài; đẩy nhanh xây dựng thành phố thông minh và triển khai chính quyền số để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế...

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành và các địa phương thực hiện 3 phương châm: Nâng tầm, toàn diện; sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả. Trước hết, phải tiếp tục nâng tầm nhận thức, tư duy về hội nhập theo tinh thần chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các cơ chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và khả năng thích ứng của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi doanh nghiệp, người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế, hình thành văn hóa hội nhập; quyết tâm đổi mới, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh hội nhập trên tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư và các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch công tác hội nhập của Chính phủ.

Thủ tướng đề nghị cần nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế; tạo mọi điều kiện thuận lợi, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, doanh nghiệp trong công tác hội nhập quốc tế. Lãnh đạo địa phương phải bảo đảm công khai, minh bạch, sâu sát, tận tâm hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Đổi lại, doanh nghiệp, người dân phải chủ động hơn, thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hội nhập, không để tình trạng vi phạm quy định pháp luật tiếp diễn, ảnh hưởng lớn đến uy tín và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam…

Mạnh Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201904/hoi-nghi-truc-tuyen-tang-cuong-hoi-nhap-quoc-te-2438328/