Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020

Sáng 11-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Giai đoạn 2016 - 2020, Trung ương đã bố trí hơn 42.334 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm. Trong 4 năm, đã có 1.353.805 hộ thoát nghèo, chiếm 58%. Uớc đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Dự kiến đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt 1,5 lần mục tiêu đề ra… Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người dân, đến năm 2025 giảm ít nhất 25% tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều với mức giảm từ 1-1,5%/năm; triển khai trên toàn quốc các hệ thống và biện pháp an sinh xã hội thích hợp cho mọi người; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo việc làm bền vững. Nguồn lực thực hiện chương trình khoảng 117.555 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 78.050 tỷ đồng.

Quang cảnh tại điểm cầu Khánh Hòa.

Quang cảnh tại điểm cầu Khánh Hòa.

Tại Khánh Hòa, nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh đã giảm 17.249 hộ nghèo. Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 27.392 hộ nghèo, chiếm 9,68%, nhưng đến cuối năm 2019 giảm còn 10.143 hộ nghèo, chiếm 3,06%. Kế hoạch đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm còn 2,18%. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,5%, bình quân giảm 1,5%/năm. Riêng đối với 2 huyện nghèo Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đạt mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 6,94%/năm…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim. Đó còn là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người. Tuyệt đại bộ phận người dân phải có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tốt, không còn đói, nghèo mới là lãnh đạo đúng. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo. Chú trọng đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề; hỗ trợ kịp thời cho người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc, không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói, bệnh tật; cần tạo điều kiện cho người dân chủ động, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện; cả nước triển khai phong trào “Mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình”, với cách làm sáng tạo, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người…

VĂN GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202012/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-giam-ngheo-giai-doan-2016-2020-8197766/