Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng

Sáng 12/12, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chủ trì hội nghị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Dangcongsan.vn

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Dangcongsan.vn

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng, sở, ban, ngành của tỉnh.

Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (năm 2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh; đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt; tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế"; được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; được quốc tế ghi nhận.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh.

Trong giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Tại Quảng Ninh, công tác phòng, chống tham nhũng được làm thường xuyên, liên tục với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tạo được sự đồng thuận, đánh giá cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; qua đó góp phần răn đe, hạn chế các vụ việc vi phạm xảy ra.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Phân tích những thuận lợi, khó khăn trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nêu rõ: Cả nước đang đứng trước thời khắc rất quan trọng. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang phấn khởi hướng tới và vững tin vào sự thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất quan trọng.

Tuy nhiên, phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài, do đó, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý KT-XH và phòng chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng"; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai; có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng…

Mạnh Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202012/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-2512848/