Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số năm 2023

Sáng 25/2, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức phiên họp lần thứ 5 về chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự và chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 quốc gia. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu các Bộ, ngành và điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh chủ trì điểm cầu. Cùng dự có hội nghị có đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh.

Báo cáo của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả triển khai chuyển đổi số quốc gia cho thấy: Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Đảng và Nhà nước đã và đang đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số, thể hiện bằng các chủ trương, đường lối tại nhiều văn bản mang tính chiến lược. Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm tuyên ngôn về chuyển đổi số; năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số khi công nghệ số được ứng dụng để phát triển các nền tảng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; năm 2022 là năm tăng tốc thực hiện chuyển đổi số với nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh việc đưa người dân lên nền tảng số "Make in Việt Nam", đẩy mạnh triển khai Đề án 06.

Kết quả thực hiện đến năm 2022, đã hoàn thành 9/11 chỉ tiêu, còn 2/11 chỉ tiêu chưa hoàn thành (đó là tỷ lệ báo cáo của các cơ quan nhà nước được thực hiện trực tuyến thực hiện 40,47%/50%, tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở thực hiện 11,8%/50% kế hoạch); có 6 nhiệm vụ Đề án 06 đã hoàn thành, còn 4 nhiệm vụ của Đề án 06 chưa hoàn thành.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số bền vững, thực chất, đồng bộ thì dữ liệu số là yếu tố quyết định. Do vậy, chủ đề năm 2023 - Năm quốc gia về dữ liệu số là "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới", từ đó đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phát triển đất nước.

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã đề ra 39 chỉ tiêu về dữ liệu số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, an toàn, an ninh mạng, Đề án 06. Tập trung vào các nội dung chủ yếu bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu; an toàn dữ liệu.

Đối với tỉnh Ninh Bình, trong công tác chuyển đổi số đã được chỉ đạo quyết liệt, quan điểm rõ ràng, tạo được đồng thuận cao của các cấp, các ngành. Với quan điểm "Đầu tư ít, hiệu quả cao" đã được khẳng định đúng với tình hình thực tiễn của tỉnh. Các hệ thống thông tin, hạ tầng mạng của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt, đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng.

Năm 2021, Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, xếp hạng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về kết quả thực hiện các chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, ngành, địa phương. Trong thực hiện Đề án 06, đến nay đã phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu; đã tiếp nhận, giải quyết trực tuyến đạt 72%, nhiều thủ tục đạt 100%. Đã kết nối chia sẻ dữ liệu dân cư với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, Ninh Bình là 1 trong 3 tỉnh kết nối chính thức đầu tiên trên cả nước. Đã có 191/192 cơ sở khám chữa bệnh trang bị máy móc, thiết bị để người dân sử dụng căn cước công dân gắn chip khám chữa bệnh (Ninh Bình là 1/10 tỉnh, thành phố có số lượng người khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD cao trong toàn quốc).

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận các nội dung: Giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách; Các giải pháp kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Giải pháp tuyên truyền để người dân hào hứng, thực hiện dịch vụ công trực tuyến nói chung và 2 thủ tục hành chính liên thông nói riêng; phương án hạn chế cán bộ một cửa nhận hồ sơ trực tiếp. Kinh nghiệm phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán triển khai việc thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: năm 2023 nhiệm vụ chuyển đổi số rất nặng nề nên cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đang là xu thế, là phong trào, có tính toàn cầu, mang tính toàn dân, toàn xã hội, vì vậy chúng ta phải đi trước, đi tắt đón đầu trong thực hiện; nắm bắt xu thế của thời đại, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; phát triển đột phá về các lĩnh vực công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức quản lý, quản trị hiện đại, tiên tiến. Nâng cao nhận thức liên quan đến dữ liệu, phải có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp khai thác tài nguyên quý dữ liệu dân cư, tạo ra nguồn lực cho sự phát triển chung trong kỷ nguyên số.

Phải đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần tiếp thu thành tựu, kinh nghiệm của quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Phải có tư duy đột phá, chiến lược, đi trước, về trước, năng nổ, phát huy tinh thần tự lực tự cường. đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Phải đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan địa phương, Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp.Phải thực hiện chuyển đổi số thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, toàn xã hội, doanh nghiệp.

Thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, ngành nghề nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, thực hiện bài bản, trách tình trạng trăm hoa đua nở, dàn trải, tránh hình thức, đầu tư dàn trải, lãng phí.

Phải có cách tiếp cận toàn dân, toàn xã hội, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng cao hơn; không phát sinh thêm thủ tục giấy tờ phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tránh sách nhiễu.

Chính phủ số là động lực, then chốt dẫn dắt xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, công dân số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, nhấn mạnh năm quốc gia về dữ liệu số, hoàn thành trong quý I/2023.

Hoạt động của Ủy ban quốc gia và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp phải thực chất, lựa chọn chủ đề từng phiên họp. Việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc. Các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ kiểm tra giám sát, dễ đánh giá.Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chưa hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Đối với các bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Đẩy mạnh chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm phục vụ hoạch định chính sách. Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật liên thông dữ liệu.

Triển khai các dịch vụ công thiết yếu. Hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ. Thường xuyên đánh giá kết quả thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.Đẩy mạnh thương mại điện tử.

Các Bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát huy tinh thần trách nhiệm cao, bài học đã có để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023…

Hồng Vân - Minh Quang - Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-ve-chuyen-doi-so-nam-2023/d20230225133414593.htm