Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019

Ngày 26-9, tại Trụ sở Chính phủ, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị; các Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì hội nghị; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến các địa phương cả nước; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định đối với việc giải ngân vốn ĐTC, nên các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân vốn ĐTC, giải ngân hết số vốn được giao theo Nghị quyết 01 của Chính phủ đã đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh việc chống thất thoát, lãng phí tiêu cực, tham nhũng để bảo đảm chất lượng công trình cùng với tiến độ là rất quan trọng. Các địa phương, mọi ngành phải coi đây là nhiệm vụ mà chúng ta phải tập trung xử lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng cơ bản năm nay đồng thời phải chuẩn bị tốt hơn năm 2020 và các năm sau căn bản hơn.

Thủ tướng cho rằng, tình trạng chậm duyệt dự án ở T.Ư và địa phương, giải ngân chậm, tổ chức điều hành quản lý dự án kém chúng ta phải rút kinh nghiệm. Nguyên nhân chủ quan của chúng ta ở đây là chậm, là tài chính, nhất là khâu điều hành dự án và trách nhiệm của cơ quan chủ đầu tư. Nhiều bộ, nhiều địa phương chưa tập trung giải pháp để chỉ đạo. Nếu tuần nào ta cũng họp để đôn đốc kiểm tra thì không có tình trạng chậm chễ như hiện nay. Thủ tướng nêu rõ, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, trong đó có nguyên nhân không sát sao, không chỉ đạo, không trực tiếp tháo gỡ rồi chưa phân cấp trao quyền, rồi bệnh nhũng nhiễu, gây khó. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương (BNĐP) cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Khi xem xét thi đua khen thưởng phải xem xét nhiệm vụ các cán bộ đã phụ trách đầu tư xây dựng ở địa phương làm chậm chễ chất lượng và thất thoát; thậm chí điều chuyển những cán bộ kém năng lực điều hành các dự án đầu tư xây dựng, những cán bộ lãnh đạo phụ trách xây dựng cơ bản nhưng không hoàn thành nhiệm vụ... Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương của những cán bộ phụ trách xây dựng cơ bản ở BNĐP.

Thủ tướng đề xuất một số giải pháp thời gian tới, đó là chúng ta thống nhất cao quan điểm chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn ĐTC, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp các ngành từng cơ quan đơn vị liên quan từ nay đến năm 2019 và trong năm 2020, năm cuối trong kế hoạch ĐTC giai đoạn 2016-2020. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đưa từng “đồng tiền, hạt gạo” đến công trình để phục vụ đầu tư sản xuất của nhân dân chúng ta. Vốn thiếu, tiền bạc rất ít, cho nên tiền bạc phải được tiêu hiệu quả và kịp thời. Thủ tướng đề nghị các BNĐP nhận thức sâu sát bảo đảm thấm nhuần tư tưởng này đến từng cơ quan cán bộ đảng viên phụ trách công việc này. Phải kỷ luật kịp thời nghiêm minh những vi phạm làm chậm, kém hiệu quả lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản.

Thủ tướng yêu cầu các BNĐP có vốn ĐTC lớn như Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND các địa phương, Bộ trưởng phải chỉ đạo giải ngân cấp bách vốn ĐTC. Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo đẩy nhanh các công trình trọng điểm như đường cao tốc bắc - nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị... và yêu cầu lãnh đạo BNĐP tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, không để kéo dài để phục vụ nhân dân.

Thủ tướng lưu ý cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ một số công trình trọng điểm như cầu Mỹ Thuận 2, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 2 đã bố trí đủ vốn nhưng phải chờ vốn rất khó khăn và nhiều công trình khác nữa…; phải làm đúng tiến độ theo yêu cầu của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu phối hợp giữa các BNĐP rất quan trọng; kiên quyết không để tiếp diễn tình trạng “quyền anh, quyền tôi” như vừa qua, không vì lợi ích của BNĐP của mình mà không hợp tác. Thủ tướng lưu ý Bộ KHĐT và Bộ Tài chính cần hợp tác tốt hơn nữa để giải quyết các vướng mắc trong triển khai dự án ĐTC thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thủ tướng tin tưởng các Bộ trưởng ngồi lại với nhau trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng với tinh thần tất cả vì lợi ích chung thì nhất định sẽ có phương án tốt, đồng thuận cao, hiệu quả để trình Thủ tướng Chính phủ. Cần tuyên bố rõ cái gì tư nhân làm, cái gì Nhà nước làm; chứ không phải là “công không ra công, tư không ra tư” để kéo dài như một số dự án công trình vừa rồi.

Trên tình thần đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể một số BNĐP: Bộ KHĐT rà soát hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bảo đảm tính thống nhất đồng bộ tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn. Chúng ta cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế các nước làm kế hoạch ĐTC trong trung hạn. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý để giao hết kế hoạch vốn đầu tư T.Ư 2019 còn lại trước ngày 5-10 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-10-2019 điều chỉnh kế hoạch vốn ĐTC 2019.

Toàn cảnh buổi hội nghị.

Các Bộ GTVT, Bộ Y tế báo cáo khả năng không sử dụng hết vốn ĐTC 2016 - 2020 với số tiền lên tới 60 đến 70 nghìn tỷ đồng. Trong khi rất nhiều các bộ, ngành khác đang cần vốn. Bộ KHĐT khẩn trương tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng nêu rõ, tinh thần là lần này điều chỉnh phải dứt khoát, “tiêu không hết tiền là điều chỉnh vốn”. Cho nên, Bộ KHĐT điều chỉnh vốn đầu tư ngân sách T.Ư 2019 cho các dự án trong nội bộ ngành, chương trình theo đề xuất của các cơ quan T.Ư, địa phương trong vòng bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KHĐT trong việc này. Hai Bộ này phải có bộ phận thường xuyên làm việc với nhau để thống nhất, sớm trình việc điều chỉnh này. Bộ KHĐT theo dõi tình hình tiến trình giải ngân vốn ĐTC của các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương báo cáo trong phiên họp Chính phủ thường kỳ để tăng cường đôn đốc kiểm tra.

Bộ Tài chính, một bộ trực tiếp nắm nguồn lực, phải tiếp tục rà soát đơn giản hóa thủ tục giải ngân, nhằm tạo thuận lợi cho chủ đầu tư thanh quyết toán vốn ĐTC; tăng cường theo dõi giám sát, cập nhật thông tin giải ngân theo các chương trình dự án của các bộ, cơ quan, địa phương, bảo đảm thông tin số liệu giải ngân đầy đủ, kịp thời, chính xác. Đẩy nhanh tiến độ ký kết thực hiện Hiệp định các dự án sử dụng vốn ODA đề xuất báo cáo Thủ tướng trong tháng 10-2019. Nếu đầu nhiệm kỳ chúng ta có khoản nợ công hơn 64%, bây giờ do chúng ta tăng quy mô GDP, chúng ta tiết kiệm những khoản chi không cần thiết nợ công chúng ta chỉ còn 56-57%. Như vậy dư địa chúng ta vay ODA còn rất lớn mà nước ta đang phát triển để đầu tư hiệu quả là việc rất cần thiết. Bộ Tài chính phải chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thanh toán kịp thời các dự án khi có đủ điều kiện, giải ngân trong 4 ngày làm việc. Kho bạc Nhà nước phối hợp với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh rút ngắn thời gian kiểm soát chi. Bộ Tài chính xây dựng chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các đơn vị vi phạm về quy định thanh toán giải ngân vốn ĐTC và chậm làm báo cáo quyết toàn hoàn thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát kiêm soát đôn đốc tổ chức thực hiện kịp thời hơn các quy định pháp luật về xây dựng, các thủ tục thẩm định phê duyệt thiết kế dự toán cấp giấy phép xây dựng…

Theo Bộ Tài chính, giải ngân chín tháng qua ước đạt 192.136,038 tỷ đồng, bằng 45,17% so kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018; trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp. Có bảy bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 70%, trong đó, bốn bộ, ngành và bốn địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 80%. Nhiều bộ, cơ quan T.Ư và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung; có 31 bộ, cơ quan T.Ư và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan T.Ư và một địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

THANH GIANG - Ảnh: TRẦN HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41691702-hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-ve-thuc-day-phan-bo-va-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nam-2019.html