Hội nghị Trung ương 5: Câu hỏi lớn của Tổng Bí thư

'Vì sao những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến...'

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc sáng 5/5, tại Thủ đô Hà Nội.

Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì, phát biểu khai mạc hội nghị.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc.

Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường:

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thông qua Chương trình Hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đọc các Tờ trình của Bộ Chính trị về Đề án hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đề án sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Điểm nhấn quan trọng của ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Trung ương 5 chính là bài phát biểu khai mạc Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong bài phát biểu này, Tổng Bí thư đã lưu ý một số khía cạnh có liên quan đến nội dung của các đề án, báo cáo, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề.

Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Theo Tổng Bí thư, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X "Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, hiện vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, đặc biệt là: Kinh tế phát triển chưa thật sự nhanh và bền vững như mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể chậm đổi mới và phát triển; kinh tế tư nhân phát triển chưa thật nhanh, bền vững và lành mạnh.

Một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả. Việc tiếp cận các nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế.

Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao và việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập.

Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. Quyền sở hữu tài sản, nhất là quyền của người góp vốn chưa được bảo đảm thực thi đầy đủ.

Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự theo nguyên tắc thị trường.

Hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả chưa cao; việc tự do hóa thương mại, đầu tư trong một số thị trường, lĩnh vực chưa sát hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế...

Thứ hai, về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

Thừa nhận đây là vấn đề lớn, khó và phức tạp, Tổng Bí thư thẳng thắn nhận xét: đến nay doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế.

Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Không ít doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…

"Có một câu hỏi lớn đặt ra cần được giải đáp thấu đáo là: Vì sao những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn", Tổng Bí thư đặt câu hỏi.

Ông chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do: Chưa xác định rõ ràng, đúng đắn chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và chức năng, nhiệm vụ chính trị - xã hội của doanh nghiệp nhà nước;

Chưa có chuẩn mực trong hạch toán kinh doanh đúng đắn và phù hợp với doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa thông thường với sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích.

Việc quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế. Thể chế quản lý, kiểm tra, giám sát về đầu tư và tài chính đối với doanh nghiệp, nhất là về bảo lãnh vốn vay, định giá đất đai, tài sản hữu hình, vô hình còn nhiều bất cập.

Công tác cán bộ, chính sách tiền lương của doanh nghiệp chưa phù hợp với cơ chế thị trường; quyền hạn và trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp chưa đủ rõ.

Việc tách chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện chậm.

Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp còn bất cập, dễ bị lợi dụng để trục lợi; tham nhũng, tiêu cực.

Việc đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/hoi-nghi-trung-uong-5-cau-hoi-lon-cua-tong-bi-thu-3334756/