Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28: Kiến tạo và củng cố hòa bình

Trong chương trình nghị sự, Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28 diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản tập trung thảo luận về tầm nhìn, vai trò và định hướng hợp tác của châu Á trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, châu Á ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong kiến tạo và củng cố môi trường hòa bình, thịnh vượng của thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28.

Được tổ chức lần đầu từ năm 1995, Hội nghị Tương lai châu Á luôn là một trong những sự kiện toàn cầu quan trọng nhất. Diễn ra trong hai ngày 25 và 26-5, hội nghị năm 2023 có chủ đề “Nâng tầm sức mạnh của châu Á trong giải quyết các thách thức toàn cầu", thu hút hơn 600 đại biểu từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có nhiều nguyên thủ và lãnh đạo các nước.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng đến môi trường an ninh và phát triển của các nước. Chủ đề của hội nghị lần này được đánh giá là mang tính thời sự cao, có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi châu Á, nơi sinh sống của 60% dân số toàn cầu, hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới, với ASEAN là nền kinh tế lớn thứ năm, gần đây liên tục tăng trưởng với tốc độ ổn định.

Tại hội nghị, các phiên họp đã xem xét, bàn thảo về cách thức giải quyết các vấn đề cấp bách như cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, tình hình an ninh thế giới, biến đổi khí hậu và lạm phát. Các đại biểu cũng thảo luận về tầm nhìn, vai trò và định hướng hợp tác của châu Á trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu trong thế giới đa cực, trong đó chú trọng một số lĩnh vực, như: Phục hồi và phát triển kinh tế, chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển và bất bình đẳng xã hội...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thái Lan Don Pramudwinai nhấn mạnh, để ứng phó với những thách thức của một thế giới ngày càng phức tạp, châu Á cần đoàn kết và hợp tác để thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực. Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cũng nhận định, với bản chất đa dạng, châu Á sẽ là một yếu tố góp phần vào tăng trưởng kinh tế và ngày càng có vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Chia sẻ quan điểm của Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nêu ra 5 đề xuất quan trọng đối với tiến trình phát triển châu Á; trong đó nhấn mạnh các quốc gia cần cùng nhau chia sẻ và hiện thực hóa tầm nhìn về xây dựng hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ; thúc đẩy mạnh mẽ những nỗ lực và hành động chung trong giải quyết các thách thức toàn cầu; đẩy mạnh hơn nữa giao lưu nhân dân, kết nối thế hệ trẻ, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch... Nhất trí rằng bảo đảm việc kiến tạo và củng cố môi trường hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển ở châu Á và trên thế giới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Việt Nam coi trọng thúc đẩy quan hệ với các đối tác.

Đề cập tới vấn đề cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nêu bật vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết những thách thức liên quan. Quan chức này lưu ý, hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN có "mối liên hệ lịch sử và thực chất sâu sắc" với hai nền kinh tế này, trong khi nhiều cường quốc khác như Nhật Bản cũng có lợi ích. Nhiều ý kiến tại hội nghị ủng hộ cách tiếp cận mà các quốc gia châu Á đang duy trì, là kiềm chế và không đứng về bên nào trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.

Với những trao đổi thẳng thắn và có chiều sâu, Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28 đã diễn ra hiệu quả, tiếp tục khẳng định vai trò là diễn đàn để thảo luận cởi mở về các vấn đề khu vực, qua đó không ngừng nâng cao vị thế của châu Á.

Theo HNM

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/quoc-te/206149/hoi-nghi-tuong-lai-chau-a-lan-thu-28-kien-tao-va-cung-co-hoa-binh