Hội nghị WEF ASEAN 2018: Cần phải duy trì trật tự thương mại đa phương toàn cầu

Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), sáng 13-9 đã diễn ra Phiên thảo luận 'Triển vọng địa-chính trị châu Á' với sự tham dự của Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono.

Chia sẻ về những mối quan tâm chính đối với tình hình địa chính trị châu Á, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nhấn mạnh tới tác động của sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đối với khu vực châu Á. Trước sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ tại một số nơi trên thế giới, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng bày tỏ quan ngại tới sự lung lay của hệ thống trật tự thương mại đa phương trên toàn cầu hiện nay. Liên quan tới tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ, nhà lãnh đạo Sri Lanka cho rằng điều quan trọng là các quy định và luật lệ phải được tôn trọng.

 Các diễn giả tại Phiên thảo luận.

Các diễn giả tại Phiên thảo luận.

Trong khi đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng có một thực tế không thể chối cãi đó là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem đến nhiều cơ hội cho các quốc gia. Tuy nhiên, nếu quốc gia nào không nắm bắt được các cơ hội này thì sẽ bị bỏ lại phía sau, từ đó làm gia tăng khoảng cách phát triển và điều này cũng sẽ tác động tới tình hình địa chính trị. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, chính trị cường quyền, cạnh tranh chiến lược hiện nay buộc các quốc gia phải tìm cách thích nghi trong khi những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống vẫn còn đó, từ các tranh chấp trên biển cho đến biến đổi khí hậu hay vấn đề an ninh mạng.

Chia sẻ quan tâm của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhấn mạnh tới tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Bà Kang Kyung-wha cho rằng so với cách đây hơn một năm thì tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện đã tốt hơn nhiều, nhất là từ sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4 và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6 vừa qua. “Trước những lo ngại do những diễn biến gần đây thì điều quan trọng là làm sao đàm phán hiệu quả giữa các bên liên quan để hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên”, bà Kang Kyung-wha nhấn mạnh. Bộ trưởng Kang Kyung-wha cũng bày tỏ lo ngại sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, “sự đóng cửa” của một số nền kinh tế tác động tiêu cực tới các thỏa thuận thương mại đa phương.

Trong bối cảnh Nhật Bản phải hứng chịu nhiều cơn bão lớn bất thường thời gian qua, Bộ trưởng Taro Kono cho rằng biến đổi khí hậu kéo theo đó là nguy cơ về an ninh nguồn nước, an ninh lương thực chính là thách thức lớn mà thế giới cũng như châu Á đang phải đối mặt. Nhấn mạnh tới những nỗ lực đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng ở châu Á, Bộ trưởng Taro Kono cho rằng cần duy trì một trật tự dựa trên luật lệ và cộng đồng quốc tế phải có tiếng nói phản đối những nỗ lực đơn phương như vậy.

Theo nhà ngoại giao Nhật Bản, từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, các định chế Bretton Woods như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), sau này có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chính là hiện thân của mậu dịch tự do và hệ thống thương mại đa phương toàn cầu dựa trên luật lệ chung, đem lại thành công cho nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, các nước cần phải hợp tác để duy trì trật tự thương mại đa phương toàn cầu hiện nay. Chia sẻ quan điểm này, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam tin tưởng vào hệ thống thương mại đa phương toàn cầu và ủng hộ tự do thương mại. “Đó là lý do tại sao Việt Nam tham gia vào các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ.

Cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa, khu vực hóa, xu thế liên kết, hội nhập và tác động của cách mạng khoa học - công nghệ, thời gian qua, tại châu Á đã xuất hiện hàng loạt các ý tưởng, sáng kiến, chiến lược hợp tác dài hạn mang tầm liên khu vực và toàn cầu như chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ; sáng kiến liên kết “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc; chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản; tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP) …Trong bối cảnh đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam hoan nghênh tất cả các ý tưởng, sáng kiến, chiến lược hợp tác đóng góp duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực. “Điều quan trọng là các sáng kiến, chiến lược phải có tính mở, bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền dân tộc tự quyết”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh. Đánh giá cao ý kiến của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhấn mạnh bất kỳ ý tưởng, sáng kiến, chiến lược hợp tác nào cũng cần đảm bảo “tính mở và minh bạch”.

Bài và ảnh: HOÀNG VŨ – PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/hoi-nghi-wef-asean-2018-can-phai-duy-tri-trat-tu-thuong-mai-da-phuong-toan-cau-549401