Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng đồng bằng sông Hồng

Sáng nay (16/8), tại thành phố Hải Phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng đồng bằng sông Hồng. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cùng đại diện các cơ quan Trung ương và 11 địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng.

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, vùng đồng bằng sông Hồng là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục đào tạo, quốc phòng, an ninh của cả nước. Có hệ thống giao thông kết nối tốt nhất cả nước và ngày cảng hoàn thiện hơn gồm đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt, đã tạo động lực liên kết phát triển và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô và vùng Trung du – miền núi phía Bắc với cả nước. Trong đó, Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh tạo thành tam giác phát triển và gắn kết chiến lược phát triển “hai hành lang, một vành đai kinh tế” với Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội nghị

Nhận thức đúng đắn được vị trí và vai trò của vùng đồng bằng sông Hồng, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 7 tháng năm 2019 và ước thực hiện cả năm. Trong đó, tập trung vào những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những vấn đề tồn tại, hạn chế trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2019; Dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020; Nêu bật các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực của ngành như: quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, vốn ODA, liên kết vùng, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp... kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy kinh tế và triển khai kế hoạch đầu tư công trong những tháng cuối năm 2019.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm 2019 của vùng đồng bằng sông Hồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng đạt 7,59%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng đạt 12,1%; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đạt 251,1 nghìn đồng (chiếm 33,7% tổng số thu ngân sách nhà nước); Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt 432,8 nghìn tỷ đồng; Xuất khẩu đạt 39,8 tỷ USD (chiếm 32,4% cả nước); Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, toàn vùng có 2/11 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh nằm trong top đầu của cả nước (Quảng Ninh, Hà Nội); Tổng vốn đầu tư của vùng đạt 7,82 tỷ USD (chiếm 42,5% cả nước) với 1.845 dự án; Số doanh nghiệp đang hoạt động của toàn vùng hiện nay là 228.895 doanh nghiệp (chiếm 31% cả nước).

Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 7 tháng đầu năm và ước thực hiện 2019, các địa phương trong Vùng đã nghiêm túc triển khai công tác điều hành, chỉ đạo thúc đẩy giải ngân, ban hành các văn bản điều hành, phân công trách nhiệm cho Lãnh đạo tỉnh, thành, các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2019 được giao. Tỷ lệ giải ngân năm 2019 của các tỉnh trong Vùng mặc dù cao hơn cùng kỳ năm 2018 nhưng bình quân chung vẫn ở mức thấp của cả nước. Vì vậy, các địa phương phải luôn nỗ lực để có kết quả giải ngân cao nhất vào cuối năm.

Quang cảnh hội nghị

Trên cơ sở Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phù hợp quy định của Luật Đầu tư công 2019, bám sát các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, có các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu về tài chính, ngân sách, đầu tư dự kiến trình Đại hội các cấp, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 63/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành của địa phương:
* Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình:
- Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao hết hạn mức trung hạn còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2030 (mới đạt 66,5%).
- Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm giao kế hoạch vốn 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo phương án UBND tỉnh đã báo cáo tại Văn bản số 798/UBND-VP4 ngày 05/11/2018.
- Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành chỉ thị, khung hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tạo điều kiện cho các địa phương trong vùng triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
* Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh:
- Đáp ứng yêu cầu của Luật Quy hoạch mới, Quảng Ninh cần đến 200 đơn vị phải tiến hành lập quy hoạch. Trước đó, tỉnh đã mời đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch chiến lược rồi, nếu phải bỏ đi theo Luật Quy hoạch mới này thì sẽ rất lãng phí. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết, gỡ vướng mắc này.
- Liên quan đến vấn đề đấu thầu, đấu giá, các sở ban ngành của tỉnh đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc này. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể đưa ra giải pháp thống nhất về vấn đề này với mục tiêu đặt ra là tìm được nhà đầu tư có nguồn lực, không để thất thoát ngân sách nhà nước.
- Trong kinh tế vùng thì các địa phương phải bổ trợ cho nhau để cùng nhau phát triển trong những năm tới, tránh cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ Hải Phòng, Ninh Bình có Nhà máy sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô rồi thì các địa phương khác không nên làm nữa. kinh tế vùng rất quan trọng, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm sao có thể phân ra quy hoạch từng vùng phát triển những gì thật rõ ràng, cụ thể.
- Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết vấn đề, cần phải phân cấp, phần quyền hợp lý, không phải Dự án nào cũng cần trình qua Hội đồng nhân dân tỉnh, thành nữa, rất mất thời gian.

Thanh Sơn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hoi-nghi-xay-dung-ke-hoach-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-va-dau-tu-cong-nam-2020-vung-dong-bang-song-hong-d105607.html