Hội ngộ Quý Mão 2023

Năm Mão vẽ mèo vốn không phải điều gì xa lạ, thậm chí còn trở thành trào lưu trong năm 2023. Nhưng lần đầu tiên có tới 365 tác phẩm điêu khắc nhỏ và 9 tác phẩm lớn độc bản về linh vật mèo đánh dấu cuộc hội ngộ của ba tên tuổi nghệ sĩ tạo hình cùng mang họ Lê: Lê Đình Nguyên, Lê Thiết Cương và Lê Minh Trí lại tạo nên điểm nhấn trong những ngày đầu xuân mới.

Khi Nguyên “Trâu” lại bén duyên với… mèo!

Được biết đến với biệt danh Nguyên “Trâu” bởi suốt hành trình sáng tạo, Lê Đình Nguyên say sưa với: Trâu cổng làng, Trâu cơm, Trâu xe thồ, Trâu giậm, Trâu áo tơi, Trâu tời, Trâu diều sáo, Trâu kẻng bom, Trâu đồng hồ quả lắc phát ra tiếng tích tắc vui tai, Trâu xe máy vespa, Trâu pháo, Trâu dàn, Trâu xay v.v… Năm nay, giới làm nghề và công chúng hết sức ngỡ ngàng khi họa sĩ bắt tay vào Dự án Nghệ thuật “Nhân Dân - Quý Mão 365”. Một ngày tháng 6/2022, trong cuộc gặp gỡ với đại diện dự án, nhận được lời mời tham gia, ông hết sức bất ngờ bởi không hề có ý định làm mèo trong năm nay và khẳng định: “Trong đời tôi, chưa từng điêu khắc một con mèo nào cả!”. Trước lời mời nhiệt thành và tính chất nghiêm túc, họa sĩ buộc phải trăn trở. Hai ngày sau, ông thông báo: “Có mèo rồi!” và chính thức nhận lời.

Một số tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ.

Một số tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ.

Dáng mèo đầu tiên trong chuỗi linh vật là “Mèo ngồi”. Họa sĩ vẽ trên giấy trước khi phác thảo bằng đất, nặn ra mẫu tác phẩm. Từ trước đến nay, mọi tác phẩm của Lê Đình Nguyên đều do ông trực tiếp làm các khâu đầu tiên. Ông quan niệm, phải chính bàn tay, khối óc và tình cảm của mình gửi gắm, hòa quyện vào trong đó mới làm nên bí quyết, nét đặc biệt và cảm xúc khó diễn đạt thành lời. Tất cả yếu tố ấy, công chúng sẽ cảm nhận rất rõ ràng. Những chú “Mèo ngồi” ung dung, tự tại nối nhau từ xưởng ra ngoài sân “tắm nắng”. Nghệ thuật, không nghĩ đến thì thôi, đã bắt nhịp rồi thì hết ý tưởng nọ nối ý tưởng kia ra đời. Đang làm “Mèo ngồi”, họa sĩ chợt nghĩ đến “Mèo cày”. Thấp thoáng trong câu chuyện ấy là hình ảnh “chú mèo đi hia” trong văn học Pháp nổi tiếng khắp thế giới. Cái hay, nét lấp lánh trong câu chuyện là một mèo rất thông minh, luôn đem lại tài lộc, niềm vui cho mọi người. Song hầu hết tranh vẽ minh họa cho câu chuyện thiên về kiểu phim hoạt hình, mèo đứng hai chân như người.

Lê Đình Nguyên muốn vẫn là chú mèo thông minh, tài lộc, nhưng phải là mèo của Việt Nam, phải tiêu biểu cho phong cách điêu khắc của Nguyên “Trâu”. Thế là “Mèo cày” ra đời, được họa sĩ đặt ở thế nằm ngang. Cùng khi đó, sự chuyển động ào đến. “Mèo cày” bập bềnh như nhịp nôi, như cánh võng. Mèo chuyển động, lưỡi cày chuyển động theo. Một vẻ đẹp lạ lùng, ẩn dụ, thuần Việt và gợi nhiều liên tưởng.

Xong “Mèo cày”, họa sĩ lại “sục sôi” sáng tạo hai thế “Mèo đứng”, “Mèo trăng”. “Mèo đứng” oai phong, vững chãi, uy lực. “Mèo trăng” với khuôn mặt hình trăng khuyết mơ màng, lí lắc, gợi cảm hứng đồng quê, ký ức, nhớ nhung. Sự tinh nghịch, uyển chuyển, cuốn hút… được khai thác tối đa với tạo hình phối trộn đa dạng vật liệu (từ giấy dó nghiền trộn với đất sét rồi ép khuôn, bồi báo cũ rồi phủ nhiều lớp sơn ta, sau đó vẽ điểm bằng sơn nhũ vàng cao cấp). Bên cạnh đó, không thể không kể tới những vật liệu đặc biệt khác cùng cách xử lý rất “quái” đã gắn liền với thương hiệu Nguyên “Trâu”, như: vỏ đạn pháo, sắt hàn, thạch cao nha khoa đẽo... Không dừng lại ở đó, ông còn đặc biệt góp vào triển lãm 9 tác phẩm lớn độc bản, gồm: cụm 8 tác phẩm mang tên “Mèo đi chơi Tết” và một tác phẩm “Mèo đi học”. Đây đều là những tác phẩm sắp đặt có chuyển động, âm thanh và ánh sáng, mang lại hiệu ứng thưởng thức cao nhất cho công chúng.

Công tắc điện bật lên, ánh sáng tỏa bừng, réo rắt tiếng nhạc trong như suối: “Hương rừng thơm đồi vắng/ Nước suối trong thầm thì/ Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi”. Vẻ đẹp của tuổi thơ, thôn dã, mộng mơ hiện ra trên nền chất liệu bằng vỏ bom đạn tạo nên bao sự ngỡ ngàng, thán phục. Họa sĩ đã miệt mài đến quên ăn quên ngủ từ đầu tháng 7/2022 đến đầu tháng 1/2023 để đưa linh vật Mèo đến với công chúng. Những tác phẩm điêu khắc động này hứa hẹn tạo nên một dấu mốc mới trên hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ của Nguyên “Trâu”.

Sự đan xen lấp lánh

Một nhịp điệu khác của triển lãm là các tác phẩm điêu khắc màu của hai họa sĩ Lê Thiết Cương - Lê Minh Trí được thể hiện trên nền phôi gỗ xà cừ, với lớp báo cũ được bồi dán rồi sau đó phủ màu, vẽ tranh bằng chất liệu acrylic. Họ thuộc hai thế hệ khác nhau nhưng có sự phối hợp nhịp nhàng giữa những chi tiết chọn lọc đầy ngẫu hứng từ các trang báo cũ với họa phẩm đương đại. Tất cả tạo nên sự hòa quyện, tương hỗ để tạo nên tổng thể ấn tượng.

Triển lãm thu hút nhiều khán giả quan tâm.

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ những kiến giải thú vị: “Điêu khắc màu cũng như điêu khắc động đã tồn tại trong nghệ thuật Việt ít nhất từ thời Lý, trong hình hài của những con rối nước - vốn cực kỳ thuần Việt. Truyền thống chỉ là một phần câu chuyện, thổi hồn hiện đại vào tinh hoa vốn cổ thế nào mới là quan trọng. Xem những tác phẩm điêu khắc màu của Lê Minh Trí, tôi cảm nhận được sở trường của một người trẻ được đào tạo chuyên ngành tạo dáng công nghiệp, khi anh sáng tạo con giống bằng điểm nhìn đồ họa, với cách tạo hình và tạo khối tối giản, thiên về gợi chứ không tả. Phong cách đặc trưng của Trí là vẽ những màu cơ bản lên trên bề mặt con giống theo lối mảng phẳng, đi nét chứ không vờn tỉa. Để chung tay tạo nên những tác phẩm điêu khắc màu, tuy in đậm dấu ấn cá nhân của từng họa sĩ nhưng vẫn hòa hợp trong một tổng thể thống nhất, tôi chọn bảng màu cơ bản tương đồng với Trí để thể hiện những bức tranh tối giản của riêng mình ở mặt bên kia của tác phẩm. Dụng ý của tôi là tạo ra những điểm nhìn rất vô lý, khi trên mình chú mèo xuất hiện hình ảnh cô gái trên đầm sen Tây Hồ hay cảnh chăn trâu, thả diều rất đỗi thanh bình. Từ vẻ đẹp của sự vô lý ấy, người xem tinh ý sẽ bật ra tiếng cười”.

Chọn xà cừ là nguyên liệu làm phôi gỗ vì thích cảm giác “cầm nặng tay”, những con mèo của Lê Minh Trí toát lên vẻ đáng yêu, tinh nghịch với thân hình bụ bẫm, chân ngắn, đầu bẹt nghiêng nghiêng, duyên duyên. Lê Minh Trí bén duyên với điêu khắc pha hội họa-điêu khắc màu từ triển lãm nhóm Con giống cùng các tên tuổi Lê Ngọc Thuận, Vũ Hữu Nhung và Lê Thiết Cương mới từ giữa năm 2022, nhưng anh đã quyết định chọn hướng đi đó cho hành trình nghệ thuật kế tiếp, sau quãng thời gian dài thử sức ở mảng thiết kế đồ họa. Nói về gạch nối liên kết trên những sản phẩm đồng sáng tạo, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, đó không chỉ là sự kết hợp giữa hai cá nhân, mà còn là sợi dây gắn kết giữa truyền thống và hiện đại. Chẳng hạn, điểm hấp dẫn nhất của con mèo do danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện nằm ở tinh hoa điêu khắc gỗ trên đình làng từ thế kỷ 16 đến 18 ẩn sau tạo hình cực kỳ hiện đại. Trước-sau, mới-cũ, quá khứ-hiện tại, truyền thống-hiện đại chính là căn cốt của kết nối thế hệ. Đó cũng là điều họ muốn chuyển tải thông điệp.

Là người đưa ra ý tưởng và trực tiếp triển khai dự án mang tính đột phá này, nhà báo Phan Thanh Phong,Trưởng ban Nhân Dân hằng tháng (Báo Nhân Dân) nhấn mạnh, sự hiện diện trở lại của những trang báo cũ trên các tác phẩm điêu khắc như một hành trình nối dài sức sống của tờ báo, để rồi ngay trong nhịp sống hiện tại và tương lai đều có bóng dáng quá khứ. Câu chuyện các nghệ sĩ đã tương tác với “những trang báo làm xong nhiệm vụ” bằng nhiều hình thức phong phú, như: vẽ trên nền báo cũ, vẽ về trang báo cũ, mix báo cũ lên tác phẩm… vừa mang lại nét độc đáo, riêng biệt, vừa là dấu ấn đầy trăn trở của đội ngũ làm nghề về sự hòa quyện, giao thoa, tương hỗ, kế thừa truyền thống. Mọi thông tin, ngày tháng, hình hài, mầu sắc của những ngày đã qua sẽ luôn được lưu giữ cho những nhịp ngày, cho sự chuyển động của tương lai. Nhờ đó, chúng ta có thể tìm lại những giờ khắc lịch sử, những phút giây lắng đọng, những yêu thương đã đi qua khi chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng sẵn trong nó bản “căn cước ký ức” với đầy đủ sự nâng niu, trân trọng.

Không gian trưng bày diễn ra dưới gốc đa cổ thụ.

Hòa nhịp cùng vẻ đẹp của điêu khắc, 15 bức tranh đặc sắc về mèo cũng tạo nên những nét rất riêng tại triển lãm. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thừa nhận, ông từng cảm thấy “thách thức đầy ắp” bởi sau đại dịch COVID-19, cũng như nhiều đồng nghiệp khá bận rộn với các chuyến đi, dự án. Tới khi cảm thấy “không thể lùi được nữa” thì ý tưởng chợt ùa đến một cách rất tự nhiên, trong trẻo. Tác phẩm “Năm Mèo” của ông thu hút bởi hình ảnh hai chú mèo con thơ ngây được vẽ với gam mầu nâu của đất quê, trên nền trắng của bầu trời. Nhiều người thắc mắc, sao ông không vẽ mèo nhà đầy uy lực, dũng khí và quen thuộc, lại chọn mèo nhí, họa sĩ cho biết, ông vẽ với niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp đến với bất kỳ ai, nhất là những người trẻ tuổi. Mỗi người đều có quyền hưởng sự trong trắng, lành sạch của đời sống xã hội, không phải chịu tổn thương, dù chỉ là một vết xước trên da thịt. Hay họa sĩ Đào Hải Phong đã mang đến một “Đêm Quý Mão” đầy lay động bởi hình ảnh bức tường của những ngôi nhà giản dị có dấu ấn của hoa đào thắm, của con mèo trắng muốt trên mái nhà mầu cam. Một mùa xuân đầy giản dị, ấm nồng, viên mãn. Mèo xuất hiện chính nơi vệt sáng, giao hòa giữa trời và đất, giữa không gian, thiên nhiên đang nồng ấm căng đầy. Mọi thứ như được kéo xích lại gần hơn, bằng hơi ấm tỏa lan nơi vệt sáng.

Mai Lữ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hoi-ngo-quy-mao-2023-i681148/