Hội Nhà văn xướng tên các tác phẩm nhận Giải thưởng Văn học 2022

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: 'Tiểu thuyết lấy bối cảnh Nam Bộ tại điểm giao nhau giữa hai thế kỷ XIX và XX, khắc họa cá tính, phong cách của con người và nét văn hóa đặc sắc miền Nam.'

Các tác giả nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Các tác giả nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tiểu thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương” của nhà văn Lý Lan (Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh) là tác phẩm vinh dự nhận Giải thưởng Văn học năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tại lễ trao giải diễn ra ngày 15/2 tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: “Tiểu thuyết lấy bối cảnh Nam Bộ tại điểm giao nhau giữa hai thế kỷ XIX và XX. Tiểu thuyết chọn con đường tự sự với giọng trần thuật dồi dào khí lực, hào sảng, gần gũi trong một cấu trúc tự nhiên, làm bật lên cá tính, phong cách của con người và nét văn hóa đặc sắc vùng Nam Bộ.”

Đó là tác phẩm xuất sắc nhất ở lĩnh vực văn xuôi. Ngoài ra, Hội Nhà văn Việt Nam cũng trao giải thưởng cho 4 tác phẩm khác.

Tiểu thuyết 'Bửu Sơn Kỳ Hương' của nhà văn Lý Lan do Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.

Cụ thể, lĩnh vực thơ có 2 tác phẩm được nhận giải là tập thơ “Ngàn bài thơ khác” của Trần Lê Khánh (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn) và tập thơ “Bóng của ý nghĩ” của Nguyễn Bảo Chân (Nhà Xuất bản Thế giới); lĩnh vực văn học dịch có tiểu thuyết “Hiệp sỹ thánh chiến” do dịch giả Nguyễn Hữu Dũng dịch từ tác phẩm của tác giả Ba Lan Henryk Sienkiewicz (Nhà Xuất bản Văn học); lĩnh vực văn học thiếu nhi có tập truyện dài “Thung lũng Đồng Vang” của Trung Sỹ (Nhà Xuất bản Trẻ).

Đánh giá tổng kết giải thưởng, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết các tác phẩm được lựa chọn tôn vinh hoàn toàn xứng đáng, đáp ứng được tiêu chí trong hệ thống giải thưởng trên cả phương diện nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Mọi hạng mục giải thưởng đều được lựa chọn với tinh thần dân chủ, khách quan, có đòi hỏi khắt khe, đồng thời cũng mang tính khích lệ nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn học Việt Nam.

Ở lĩnh vực thơ, “Bóng của ý nghĩ” là tập thơ tràn đầy sự chân thành của rung cảm và nhận thức, thể hiện qua những suy tư về vị thế và thân phận một cá nhân trong tương quan với thế giới xung quanh. Tác giả có ý thức trong việc tiết giảm cảm xúc, chọn lọc hình ảnh, ngôn ngữ và hướng tới trường liên tưởng rộng.

“Ngàn bài thơ khác” của tác giả Trần Lê Khánh có lượng bài khá lớn, nhưng ít gây cảm giác nặng nề vì số câu chữ trong mỗi bài được tiết giảm. Với tập thơ này, ở những bài thực sự nổi trội, người đọc có thể nhận ra cách tiếp cận, cách nghĩ, cách cảm mang một tinh thần, mỹ cảm riêng biệt.

Ở lĩnh vực văn học dịch, tác phẩm “Hiệp sỹ thánh chiến” của văn hào Henryk Sienkiewicz do dịch giả Nguyễn Hữu Dũng chuyển ngữ là công trình dịch có chất lượng, bám sát và lột tả được tinh thần của tác phẩm với ngôn ngữ tiếng Việt sinh động, trau chuốt.

Tác phẩm “Thung lũng Đồng Vang” ở lĩnh vực văn học thiếu nhi của nhà văn Trung Sỹ thuộc thể loại truyện vừa, viết sinh động, trong trẻo về thiên nhiên, muông thú, cũng như những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của một vùng đất đan xen cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định văn học mang lại hai điều quan trọng trong những năm gần đây: Thứ nhất là văn học mang những vẻ đẹp mới, những nghệ thuật mới, những phát hiện mới, những giọng nói mới; thứ hai là văn học khiến chúng ta nhận ra ta không rời bỏ được những vẻ đẹp của đời sống này.

Ông nói: "Chúng ta đến đây để bỏ phiếu cho chủ nghĩa nhân văn, bỏ phiếu cho lòng tốt, bỏ phiếu cho tình yêu thương, bỏ phiếu cho niềm hy vọng về một nền văn học mà chúng ta còn phải đi một chặng đường rất dài, từng bước một."

Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022 cho nhà văn Nguyễn Bích Lan (Hà Nội) và nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận). Hai nhà văn nữ đều có chung hoàn cảnh khó khăn song họ nỗ lực tự học, vươn lên trong nghịch cảnh và có nhiều đóng góp cho cộng đồng, từng nhận nhiều giải thưởng văn học.

Nhà văn Nguyễn Bích Lan đã có 52 đầu sách dịch, 4 tác phẩm viết cho thiếu nhi. Trong thời gian qua, mặc tình hình sức khỏe yếu, chị đã xây dựng được 5 tủ sách cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Nông, thực hiện nhiều hoạt động lan tỏa văn hóa đọc.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đã in 14 đầu sách. Năm 2015, bà nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Bà được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021./.

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tieu-thuyet-ve-nam-bo-nhan-giai-thuong-van-hoc-2022-cua-hoi-nha-van/846139.vnp