Hội nhập CPTPP: Doanh nghiệp rất dễ 'dính đòn' vì thiếu hiểu biết

Chia sẻ về những thách thức mà doanh nghiệp đối mặt khi hội nhập CPTPP, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, doanh nghiệp rất dễ 'dính đòn' vì thiếu hiểu biết.

Nhận định của TS. Võ Trí Thành được đưa ra tại Hội thảo "CPTTP - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam" do Tạp chí Điện tử doanh nhân Việt Nam vào sáng 28/11, tại Hà Nội.

Để có thể tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), TS. Thành cho rằng, các doanh nghiệp (DN) cần phải nắm được các quy định có liên quan tới DN mình, và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa.

Câu chuyện EU áp đặt "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam là bài học lớn mà các DN cần phải lưu ý. Khi Việt Nam xuất khẩu thủy sản, không chỉ đảm bảo rằng đó là sản phẩm sạch mà còn phải đảm bảo cả về quy trình đánh bắt, tính hợp pháp của vùng biển đánh bắt và phải đáp ứng cả yêu cầu về môi trường.

Hội thảo CPTPP – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam diễn ra tại Hà Nội sáng 28/11. (Ảnh: VOV)

Nói về thách thức lớn nhất hiện nay mà các DN đang phải đối mặt, ông Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng DN phải tự nhận diện được các thách thức và cơ hội của hội nhập CPTTP cho chính dDN mình. Nếu không nhận thức đầy đủ thì DN không thể tự đổi mới mình, có tầm nhìn và phương thức để ứng phó.

Việc một DN đơn lẻ tự mình đứng vững trong CPTPP là khó. Do vậy, liên kết các DN trong cùng ngành hàng là bài toán căn cơ để giải quyết vấn đề. Đây vốn là điểm yếu của N Việt trong các năm qua. Các DN vẫn “đơn thương độc mã” trong hội nhập.

Cùng chung quan điểm này, ông Phạm Mạnh Cổn, Giám đốc Cty Eltek Việt Nam, phát biểu: Trong bối cảnh hội nhập, phải khẳng định DN tự nâng cao nội lực là rất quan trọng, kết nối với nhau. Nhưng hiện nay các DN trong nước còn rất yếu, họ ít trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau, ít nhất là trong ngành, lĩnh vực của mình.

Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - nhận định, việc các DN nhận diện được cơ hội và thách thức là bước tiến đầu tiên, nhưng nếu chỉ nhận thức mà không hành động thì hiệu quả của việc gia nhập CPTPP giống như ngồi trên "đống vàng" nhưng chưa biết khai thác. Nếu DN không làm thì không có thắng lợi, không có thành công.

Chiều 12/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định CPTPP hay TPP-11 cùng các văn kiện liên quan với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Theo đó, Việt Nam là nước thứ 7 thông qua Hiệp định này, tiếp sau các nước New Zealand, Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico và Singapore.

Tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9 năm 2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

PV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/hoi-nhap-cptpp-doanh-nghiep-rat-de-dinh-don-vi-thieu-hieu-biet/20181128033030908