Hội nhập thời 4.0!

Nếu coi nền kinh tế như một cơ thể sống thì rõ ràng hai yếu tố khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là đôi chân giúp nền kinh tế đứng vững để hội nhập. Bởi vậy, Nhà nước cần có thái độ tích cực hơn nữa về công nghệ và sáng tạo, đặc biệt, cần coi công nghệ và sáng tạo là cơ hội để giải quyết các vấn đề phát triển…

Với mục đích đưa ra góc nhìn cũng như những khuyến nghị để phát triển kinh tế trong năm 2020, phóng viên Chất lượng Việt Nam Online đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

TS. Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Thưa ông, trong thời buổi mà công nghệ thông tin bùng nổ tạo nên những “làn gió mới” trên nhiều lĩnh vực như hiện nay, thì cuộc CMCN 4.0 sẽ có tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Trước tiên, CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến GDP và việc làm. So với kịch bản chỉ có cải cách kinh tế (không thực hiện CMCN 4.0), CMCN 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 28,5 tỷ - 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng 7% - 16% GDP năm 2030, tùy theo từng kịch bản (cao, trung bình, thấp). GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315$/ người vào năm 2030 nhờ tăng năng suất và tăng việc làm.

Theo tính toán, việc tăng trưởng nhờ CMCN 4.0 tạo ra việc làm mới với mức tăng thuần ước tính 1,3 triệu – 3,1 triệu việc làm; một số công việc sẽ giảm đi trong khi nhiều công việc mới được tạo ra.

Các ngành công nghiệp mới của CMCN 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam (LoT, media, kinh tế số...).

Dự báo doanh thu năm 2030 đối với một số ngành như thương mại điện tử, điện toán đám mây, nông nghiệp thông minh... sẽ cải thiện đáng kể. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Thưa ông, vậy những cơ hội cũng như thách thức cuộc CMCN 4.0 mang đến cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay là gì?

Quy mô thị trường và dân số là một trong những lợi thế lớn của Việt Nam: 96 triệu dân, 67% dân số sử dụng Internet, 57% dân số tích cực sử dụng mạng xã hội và 73% dân số có điện thoại di động cá nhân. Thái độ của người Việt Nam đối với công nghệ rất tích cực và có tiềm năng lớn, 61% người Việt tin rằng các công nghệ mới mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro.

Về hạ tầng kĩ thuật số, nước ta có nền tảng công nghệ 4G vững chắc với tỷ lệ thuê bao điện thoại di động lớn, ở mức 139 thuê bao/100 dân. Mạng cáp quang phủ rộng, thị trường băng thông rộng có dây ở Việt Nam tăng trưởng ổn định trong vài năm qua. Tuy nhiên, nước ta chỉ có 9 trung tâm chuyên dụng cho các doanh nghiệp và phải đối mặt với nguy cơ rất cao xét về đe dọa an ninh mạng.

Về doanh nghiệp, phần nhiều doanh nghiệp Việt Nam có trình độ công nghệ thấp và chưa thực sự quan tâm đến ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trung bình và lớn đã có kế hoạch và đã đầu tư chuyển đổi công nghệ; số lượng robot công nghiệp tăng nhanh, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến điện toán đám mây, LoT...

Về nhân lực, nhìn tổng thể, lực lượng lao động của người Việt có chất lượng khá tốt, được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Thế nhưng, chúng ta cũng đang phải đối mặt với một số thách thức lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng đào tạo chưa tốt...

Về nguồn lực tài chính, vốn đầu tư cho công nghệ có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, thiếu khả năng kết nối cung – cầu.

Về thể chế và quản trị quốc gia, mặc dù môi trường kinh doanh Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây nhờ nỗ lực cải cách của Chính phủ, nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Đặc biệt, pháp luật về kinh doanh chậm thay đổi trước các xu hướng công nghệ và thị trường.

Vậy ông đưa ra những quan điểm cũng như kiến nghị gì trong năm 2020 nhằm cải thiện nền kinh tế của Việt Nam trong “cuộc đua” CMCN 4.0?

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố quyết định đến sự thành công của nền kinh tế.

CMCN 4.0 là cơ hội lớn, nếu chúng ta không nắm bắt được sẽ tiếp tục bị tụt hậu, tranh thủ cuộc CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng.

Do đó, thời gian tới, Nhà nước cần có thái độ tích cực về công nghệ và sáng tạo, chấp nhận các công nghệ mới – mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu; Coi công nghệ và sáng tạo là cơ hội để giải quyết các vấn đề phát triển.

Đồng thời tiếp tục sửa đổi thể chế quản lý kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trên nền tảng số, tạo không gian thể chế cho các thử nghiệm công nghệ (regulatory sandbox), đặc biệt đối với các ngành công nghiệp mới xuất hiện (thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ...).

Tăng số lượng nhân lực ngành IT, mở các ngành đào tạo mới về AI, phân tích dữ liệu, tự động hóa, điều khiển học... Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân, thành lập các nhóm chuyên gia bảo vệ an toàn thông tin với sự tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia độc lập.

Đặc biệt, chúng ta cần tuyên truyền, giới thiệu, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp bằng các lợi ích cụ thể; xây dựng sổ tay về CMCN 4.0 cho doanh nghiệp các ngành, lĩnh vực khác nhau; xây dựng sách hướng dẫn doanh nghiệp tự đánh giá độ sẵn sàng cho CMCN 4.0...

Xin cảm ơn ông với những chia sẻ trên!

QUANG TÔNG

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hoi-nhap-thoi-40-d168698.html