Hội nhập từ tuyển sinh

Công tác tuyển sinh ĐH năm 2020 được triển khai theo hướng đa dạng hóa hình thức xét tuyển. Bên cạnh các phương thức truyền thống, ngày càng nhiều trường áp dụng xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi quốc tế.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Những chứng chỉ được nhiều trường chọn xét tuyển là của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK; gọi tắt là chứng chỉ A-Level); Kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ); chứng chỉ tiếng Anh IELTS/ TOEFL… Không chỉ được thực hiện ở những ĐH hàng đầu như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, phương thức xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi quốc tế còn được áp dụng rộng rãi ở nhiều trường ĐH công lập và cả ngoài công lập như: ĐH Luật TPHCM, ĐH Hàng hải, ĐH Hoa Sen, ĐH Hồng Bàng, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân…

Song song với đưa phương thức xét tuyển chứng chỉ quốc tế vào tuyển sinh chính quy, các trường ĐH còn tuyển sinh các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn để thu hút sinh viên nước ngoài. PGS.TS Trần Thị Lý, Khoa Nghệ thuật và Giáo dục (ĐH Deakin - Austrailia), một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam được Tạp chí Forbes công bố ở lĩnh vực khoa học - giáo dục, cho biết: Năm 2017, Việt Nam là điểm đến đứng thứ 8 cho các khóa học ngắn hạn và thực tập của SV Australia trong chương trình New Colombo Plan; nhưng năm 2018, chúng ta trở thành điểm đến thứ 6 và hiện ở vị trí thứ 4, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và trước cả Nhật.

Nhờ mở rộng tuyển sinh theo hướng hội nhập, những năm qua, Việt Nam đã thu hút sinh viên khắp toàn cầu. Nổi bật như Trường ĐH Tôn Đức Thắng thu hút 1.073 sinh viên nước ngoài từ 18 quốc gia đến học tập, giao lưu từ 1 tuần đến nhiều tháng. Trường Đại học FPT sau năm 2013 có lứa sinh viên quốc tế đầu tiên, hiện tiếp tục mở các khóa dài hạn và các khóa ngắn hạn với mục tiêu đưa tỷ lệ SV quốc tế chiếm khoảng 20% tổng số SV của trường. Trong 5 năm gần đây, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM mỗi năm thu hút không dưới 3.500 sinh viên nước ngoài. Ở Trường ĐH Duy Tân, nhiều sinh viên ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Lào, Myanmar, Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc… đã và đang theo học.

Dù chiếm tỉ trọng không cao trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh, tuy nhiên việc phát triển các phương thức tuyển sinh theo hướng hội nhập có ý nghĩa rất lớn đối với các trường. Để thu hút sinh viên quốc tế, các trường buộc phải nỗ lực quốc tế hóa các chương trình nội địa, nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên, học tập các phương pháp, kỹ năng quản lý các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Quá trình này giúp các trường đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, nâng sức cạnh tranh. Sự có mặt của sinh viên quốc tế còn giúp các trường có thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư. Quan trọng hơn, phát triển tuyển sinh, đào tạo sinh viên quốc tế, các trường có cơ hội mở rộng hợp tác với các nước tiên tiến, để đào tạo ra lực lượng lao động có tầm nhìn, kỹ năng, kiến thức và tư chất hội nhập, giúp cho nền kinh tế Việt Nam hiện tại và nâng cao vị thế của giáo dục ĐH nước nhà.

Đến nay, so với việc người Việt Nam đi du học nước ngoài, con số du học sinh nước ngoài đến Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chỉ khoảng 21.000 người. Dù vậy, đây là tín hiệu rất tích cực. Với việc Luật Giáo dục đại học có hiệu lực nâng cao tính tự chủ của ĐH, cùng sự nỗ lực mạnh mẽ hướng đến hội nhập của các trường trong tuyển sinh, đào tạo, Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy được khả năng quốc tế hóa giáo dục đối ứng và toàn diện thay vì chỉ là nước “nhập khẩu” giáo dục. Tuy nhiên, hành trình này không nên là nỗ lực đơn lẻ của từng trường mà cần sự chung sức mạnh mẽ hơn ở tầm chiến lược quốc gia. Bởi du học sinh không chỉ mang đến học phí cho trường ĐH, mà họ còn là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/hoi-nhap-tu-tuyen-sinh-20200325114306175.html