Hỏi nóng, trả lời nhanh

Hôm qua (15/8), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và 15 Bộ trưởng cùng trưởng ngành đã tiến hành trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các vấn đề như tham nhũng vặt, đội vốn trong đầu tư dự án đường sắt đô thị, giải quyết việc làm đã được các đại biểu quan tâm.

Tham nhũng vặt như “tổ mối”, có thể làm vỡ con đê

Trả lời câu hỏi về kết quả và biện pháp phòng chống tham nhũng vặt thời gian qua ra sao của một số đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh công tác đấu tranh phòng chống đại án về kinh tế, tham nhũng, chủ trương của Đảng, của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều lưu ý đến tình trạng tham nhũng vặt.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Và tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội và nhân dân. Nó liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức. Theo Phó thủ tướng, tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả không hề vặt. Người ta ví con đê cao to, hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ.

Phó thủ tướng cho rằng, tham nhũng vặt làm băng hoại đạo đức của cán bộ công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp và người dân.

Để giảm và tiến tới không còn tham nhũng vặt, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, về quy trình thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, cần hệ thống giám sát bằng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, có quy hoạch, đào tạo, luân chuyển và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Đội vốn là do không lường hết được

Một trong những nội dung được cử tri và đại biểu đặc biệt quan tâm là chọn nhà thầu tham gia xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ triển khai dự án này dựa trên 3 nguyên tắc:

Thứ nhất là thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ đề ra; Thứ hai là công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; Thứ ba, đây là dự án tác động lớn đến kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nên cần quan tâm đặc biệt. Đây là dự án có ý nghĩa kinh tế, nhưng phải đảm bảo an ninh - quốc phòng cho Tổ quốc.

Liên quan đến việc sử dụng vốn vay ODA làm 5 dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều chậm trễ, đội vốn tới 80.000 tỷ đồng mà các đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời: Theo quy định của Luật Quản lý nợ công và nghị định của Chính phủ, trước 1/7/2018, chức năng quản lý nhà nước về ODA thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, trước khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực, những vấn đề về chủ trương đầu tư, ký kết hiệp định, điều chỉnh dự án, phân bổ dự toán…. đều thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý theo sự phân công của Chính phủ. Sau khi luật mới có hiệu lực, và kể cả sau Nghị định 132 (Nghị định 132/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) cũng chỉ có một điều được sửa là Bộ Tài chính là đầu mối đàm phán, ký kết các hiệp định.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, điều này chưa thực sự phù hợp với Luật Quản lý nợ công khi đầu mối quản lý chỉ là chức năng đàm phán, ký kết, trong khi việc đầu tư bao gồm rất nhiều khâu, từ chủ trương đầu tư, giao dự toán... Hiện nay, một trong những nguyên nhân giải ngân chậm là giao dự toán chậm, giao kế hoạch cũng chậm.

Cùng với đó trong quá trình thực hiện lại điều chỉnh dự án, hay những vấn đề nội tại như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng…. làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. “Chậm tiến độ, đội vốn, trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, sau đó mới là trách nhiệm các bộ, ngành có liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Còn Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc thu hút quản lý và sử dụng ODA có nhiều nội dung. Về nguyên nhân dự án đường sắt đô thị đội vốn, chậm tiến độ mà đại biểu nêu ra, ông Dũng lý giải, đây là dự án đường sắt đô thị lần đầu Việt Nam thực hiện, nên hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực từ tư vấn đến cơ quan quản lý chưa theo kịp, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vì về nguyên tắc sử dụng nguồn ODA là thu hút công nghệ, kinh nghiệm của quốc tế nên các nhà thầu tư vấn của quốc tế lập dự án và các cơ quan của Việt Nam tham gia xem xét, thẩm định phê duyệt. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chúng ta không lường hết được các khâu từ đầu đến cuối của dự án, nên từ lúc phê duyệt đến lúc triển khai thực hiện đã điều chỉnh lại và tăng vốn lên rất lớn.

Ví dụ, tuyến đường sắt đô thị số 1 của TP Hồ Chí Minh là Bến Thành – Suối Tiên tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng, tăng tới 30.000 tỷ đồng. Tuyến đường sắt số 2 của TP Hồ Chí Minh cũng tăng từ 26.000 tỷ dồng lên 47.000 tỷ đồng. Còn đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Hà Nội cũng tăng vốn tới trên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, không thể nói ngay là đội vốn mà việc tăng vốn là do tính chưa hết, không đầy đủ, chứ đội vốn cũng chỉ ở chừng mực nhất định.

Học nghề ra trường dễ xin việc làm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) về công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp hiệu quả ra sao sau hai năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Sau hơn hai năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt thực hiện quyết định của Chính phủ thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, toàn ngành đặc biệt là lãnh đạo Bộ đã tập trung rất cao cho lĩnh vực này và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, phấn đấu để số người học nhiều hơn, chất lượng đào tạo được nâng lên, người học ra trường có việc làm và quan trọng là tạo được sự ủng hộ của xã hội trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau 2 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả sau: Thứ nhất, tất cả các văn bản liên quan đến triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp đều được ban hành đầy đủ, kịp thời. 63 văn bản đã được ban hành và qua thẩm tra của Bộ Tư pháp về cơ bản đều đáp ứng yêu cầu và đảm bảo đúng quy định.Thứ hai, về tuyển sinh, nếu trước đây chỉ đạt 60% kế hoạch đặt ra thì 2 năm qua tuyển sinh học nghề đều vượt kế hoạch, đặc biệt năm 2018 đạt 107%, hết tháng 6/2019 tỷ lệ tuyển sinh vượt 15% so với cùng kỳ 2018.

Nhiều trường đến nay đã tuyển sinh xong chỉ tiêu và đáng mừng là điểm đầu vào của nhiều trường đạt 14 - 15 điểm. Thứ ba, việc gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường cũng được triển khai quyết liệt, hầu hết các trường hiện nay đều tổ chức ký kết với doanh nghiệp và đặt hàng đầu ra.

Dự kiến tháng 9 Thủ tướng Chính phủ sẽ tổ chức một diễn đàn rất lớn quy mô quốc gia liên quan đến việc nâng tầm kỳ năng nghề nghiệp cho lao động Việt Nam. Đặc biệt, chất lượng, hiệu quả đào tạo có chuyển biến rõ rệt, kết quả tốt nghiệp năm 2018 qua kiểm tra đánh giá cho thấy, 85% số học sinh của trường nghề ra trường có việc làm, tăng 5% so với năm 2017. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dung cho rằng, chúng tôi ý thức đây mới là kết quả bước đầu, chúng tôi sẽ còn cố gắng nhiều hơn.

H.Lê- X.Hải

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hoi-nong-tra-loi-nhanh-95134.html