Hội Phết – Hiền Quan: Đừng để 'có tiếng' thành 'mang tiếng'

Nhiều người dân xã Hiền Quan và du khách bàng hoàng khi ngày 17/2/2019, UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ) ban hành văn bản yêu cầu UBND xã Hiền Quan và Ban tổ chức dừng hoạt động đánh Phết năm 2019 vào các năm tiếp theo.

Trưa 17/2, UBND huyện Tam Nông đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND xã Hiền Quan và ban tổ chức lễ hội Phết xã Hiền Quan về việc dừng tổ chức phần đánh phết (thường được gọi là cướp phết) tại lễ hội này.

Theo công văn, phần đánh phết diễn ra ngày 16/2 (12/1 âm lịch) tại Lễ hội Phết xã Hiền Quan không thực hiện đúng nội dung đề án về đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội Phết xã Hiền Quan 2019 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Sở VH-TT&DL thẩm định.

Theo yêu cầu của Sở VH-TT&DL tại hội nghị rút kinh nghiệm được tổ chức chiều 16/2 ở UBND xã Hiền Quan, yêu cầu UBND xã và ban tổ chức lễ hội dừng hoạt động đánh phết vào ngày 17/2 và hoạt động đánh phết các năm tiếp theo, các hoạt động khác vẫn tổ chức bình thường.

UBND xã Hiền Quan tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung đánh phết đảm bảo phát huy đúng giá trị truyền thống của lễ hội, báo cáo UBND huyện xem xét quyết định trước khi được tiếp tục thực hiện phần đánh phết vào các năm tiếp theo.

Nỗi buồn của những người dân

Sau nhiều năm được anh bạn nhà ở Xóm Chùa mời về tham dự lễ hội Phết ở quê hương mình, tôi hăm hở từ Hà Nội về Hiền Quan từ sáng sớm. Đến hơn 8 giờ, sau khi nhận sự chỉ dẫn đường, tôi cũng về được nhà bạn.

Đón tôi ở cổng, anh bạn tôi nét mặt buồn cho biết: Năm nay cướp Phết bị cấm rồi ông ạ, mới chiều qua họp ở xã thì sáng nay (17/2 – PV) huyện có văn bản hỏa tốc gửi xã và Ban tổ chức rồi. Không chỉ có cấm năm nay mà cả những năm tiếp theo nữa.

Anh Nguyễn Văn Hải (29 tuổi), người dân xã Hiền Quan, chia sẻ: "Tôi rất buồn khi huyện dừng phần đánh phết, vì đây là phần ý nghĩa và được chờ đón nhất.

Nếu hủy đánh phết thì 1-2 năm tới sẽ không ai còn biết đến lễ hội truyền thống cả nghìn năm này nữa".

Hội Phết - Hiền Quan năm nay dường như không còn đông vui vì cướp Phết bị cấm.

Anh Hằng (32 tuổi), người dân Hiền Quan, bày tỏ: "Hôm thứ 7 tôi bận việc nên không tham gia ngày đầu lễ hội, trong đầu vẫn đinh ninh là chủ nhật hội sẽ tổ chức đánh phết bình thường. Khi đến mới biết huyện yêu cầu dừng đánh phết, tôi thấy hụt hẫng".

Cụ ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết: Cướp Phết như môn thể thao, có chen cướp thì phải có xô xát, giống như một trận đấu bóng, các cầu thủ tranh cướp bóng cũng va vào nhau. Năm nay không có cướp Phết, Lễ hội mất vui.

Không chỉ có người dân của xã Hiền Quan buồn khi năm nay Lễ hội không còn cướp Phết, trên đường ra Đền thờ Bà Thiều Hoa Công Chúa, tôi đã nghe được nhiều ý kiến của người dân các địa phương khác về Lễ hội Phết – Hiền Quan.

Chị Nguyễn Thị Nga (xã Hương Ngải – Tam Nông) chia sẻ: Chúng tôi ở cách Hiền Quan khoảng 20km, năm nào cũng đến ngày 12-13 tháng Giêng, người dân lại cùng nhau về với Hội Phết - Hiền Quan để tham dự vào Lễ hội. Điều mà người dân quanh vùng chúng tôi thích thú nhất là được tham gia cướp Phết, với một quan niệm, nếu cướp được quả Phết thì năm đó chúng tôi làm ăn rất thuận buồm, xuôi gió và may mắn.

"Nhưng năm nay, khi đến Lễ hội được biết không có cướp Phết, người dân chúng tôi buồn lắm, đây không chỉ là môn thể thao mà còn là nét văn hóa tâm linh của người dân huyện Tam Nông chúng tôi", chị Nga cho biết thêm.

“Cướp Phết” không phải là bạo lực

Theo anh Hải, việc tham gia tranh cướp phết người dân xã Hiền Quan đều tuân thủ sự sắp xếp của ban tổ chức. "Để tranh cướp Phết, nhìn bề ngoài thì dễ hiểu nhầm là tranh cướp hỗn loạn, nhưng thật ra, từng đội chơi của các làng đã vạch các phương án, chiến thuật đánh Phết. Đây là phần thi đồng đội nên rất bài bản, khoa học và an toàn chứ không ẩu đả như chúng ta vẫn nghĩ. gười ta cho rằng, đánh phết là bạo lực, nhưng tôi cho đó là tinh thần thượng võ”, anh Hải nói.

Ông Nguyễn Quốc Thậm (85 tuổi), Phó ban di tích đền Hiền Quan khẳng định: "Đánh Phết là đề cao tinh thần thượng võ, tiếp nối truyền thống ông cha ngày xưa, chứ không phải là bạo lực".

Theo ông, cả trăm năm nay tổ chức cướp phết nhưng chưa một ai chết khi tranh cướp. "Tình trạng xé rào vào cướp Phết số đông là người ở xã lân cận, chứ không phải riêng người dân xã Hiền Quan. Bây giờ chúng ta nên thay đổi cách tổ chức chứ không nên dừng đánh Phết. Tuy nhiên, nếu huyện đã có văn bản dừng thì chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành", ông Thậm tâm sự.

Chủ tế, tiên chỉ năm nay là ông Ngô Văn Mão, 72 tuổi. Là người được giao trọng trách chính trong lễ tế và theo sát mấy quả Phết, ông tỏ ra buồn bã. “Đây là truyền thống bao đời của chúng tôi, dừng đánh phết chúng tôi cũng buồn lắm”, ông Mão nói. Không có màn đánh phết nên tối 13 tháng Giêng, các cụ phải thêm phần lễ tạ. Dân Hiền Quan vẫn tin rằng, các quả Phết này phải được tung ra bãi đánh, được dân làng giành giật nhau mang về dân mới được may mắn, hanh thông.

Nên bỏ tư duy “không quản được thì cấm”

Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam về việc UBND huyện Tam Nông có văn bản yêu cầu UBND xã Hiền Quan và Ban tổ chức Lễ hội dừng hoạt động đánh Phết năm 2019 và các năm tiếp theo.

TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Dân gian Việt Nam.

TS Trần Hữu Sơn cho biết: “Tôi rất là ngạc nhiên khi nghe được thông tin UBND huyện Tam Nông ra văn bản để dừng đánh Phết tại Hội Phết Hiền Quan này. Về mặt lý, cơ quan quản lý có quyền được phép ra văn bản dừng, nhưng nếu dừng một di sản thì phức tạp.

Thứ nhất, chúng ta phải bỏ tư duy là “không quản được thì cấm”, tư duy này là hoàn toàn sai.

Thứ hai, cần hiểu biết về lễ hội. Việc tổ chức lẽ hội có rất nhiều vấn đề, muốn tổ chức thành công nên tìm giải pháp, nếu chưa có giải pháp thì nên mời các chuyên gia tư vấn để tìm ra giải pháp tốt nhất để tổ chức lễ hội.

"Việc UBND huyện Tam Nông ra văn bản để dừng cướp Phết trong Lễ hội Phết Hiền Quan là quyết định tôi cho rằng vội vàng, gây tác động không tốt đến dư luận", ông Sơn cho biết thêm.

Hội Phết Hiền Quan gắn liền với nữ tướng Thiều Hoa, một tướng tài giỏi thời kỳ Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa. Thời niên thiếu, trong những buổi chăn trâu, hái củi bên núi Tản Viên, bà cùng bạn bè đẽo củi tre, dùng gậy khăng chia làm hai phe chơi đánh phết, dựng cây chuối làm bia, dùng gậy để phóng lao.

Sau khi đầu quân vào đội quan của Hai Bà Trưng, Thiều Hoa được phong là Đông Cung Tướng Quân, nhiều lần giáp trận với giặc Hán đều được toàn thắng. Sau khi đánh tan giặc Hán, bà xin ở lại Song Quan (Chùa Hiền Quan ngày nay) tu hành cứu nhân độ thế. Sau khi bà mất, Trưng Nữ Vương đã truy phong bà là "Phụ vương công chúa" và truyền cho dân làng lập đền thờ bà. Nhân dân Song Quan suy tôn bà là "Đức thánh mẫu Đệ nhất Đại Vương" của làng và thờ cúng bà rất tôn nghiêm.

Như vậy, Lễ Hội Phết Hiền Quan gắn liền với một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng và được nhân dân tôn thờ hàng ngàn năm qua, việc phục dựng và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông chúng ta để lại là trách nhiệm không chỉ của người dân sở tại, đây còn là trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Việc tổ chức Lễ Hội Hiền Quan và cướp Phết trong Lễ hội này nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh của cha ông chúng ta, đây là tinh thần thượng võ của các thế hệ đi trước trong việc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc cần phải được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Không thể không quản lý thì ban hành văn bản cấm vừa qua của chính quyền huyện Tam Nông.

Để cho người dân và khách thập phương đến tham gia vào Lễ Hội, nên chăng chính quyền và các cơ quan tham mưu cần có những thông tin về tục cướp Phết, trên cơ sở đó các cơ quan truyền thông đăng tải thông tin chính xác về bản chất của lễ hội. Chính quyền các cấp của tỉnh Phú Thọ và các cơ quan tham mưu cần tìm ra giải pháp để tổ chức các lễ hội trên địa bàn, bảo đảm an toàn, đồng thời gìn giữ được giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đừng để Hội Phết Hiền Quan “có tiếng” thành “mang tiếng”.

Ngọc Thủy

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/hoi-phet-hien-quan-dung-de-co-tieng-thanh-mang-tieng-post25772.html