Hội quán nông dân- mô hình phát triển kinh tế mới ở Đồng Tháp

Có thể thấy ở tỉnh Đồng Tháp, Hội quán chính là một môi trường cụ thể để cán bộ, đảng viên được thử thách, rèn luyện. Hoặc như để chuyển từ cách quản lý 'quan liêu, xa dân' đến thái độ làm việc năng động, sáng tạo, gắn bó mật thiết với nhân dân của chính quyền địa phương các cấp ở địa phương này.

Những đảng viên là thành viên Hội quán

Những người khởi xướng thành lập ra Canh Tân Hội quán- mô hình Hội quán đầu tiên ở tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: K.V)

Những người khởi xướng thành lập ra Canh Tân Hội quán- mô hình Hội quán đầu tiên ở tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: K.V)

Tìm hiểu về mô hình Hội quán ở Đồng Tháp mới phát hiện ra khá nhiều điều thú vị ở đây. Thành viên của Hội quán khá đa dạng: cán bộ, nhà giáo, kỹ sư, nông dân, nhà sư, linh mục…, có người gốc gác nhiều đời trên mảnh đất này, cũng có người từ nơi khác tới, coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình, nhưng tất cả đều chung một niềm đam mê với nghề nông ở xứ đồng đất thẳng cánh cò bay này.

Anh Nguyễn Minh Phú, một cán bộ trẻ tuổi của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp- người đã từng có thời gian làm báo dẫn chúng tôi đi thực tế nói: “về đây, các anh sẽ gặp nhiều chủ nhiệm và thành viên của Hội quán là đảng viên, họ là những người thường đi đầu trong các phong trào ở vùng thôn quê với đúng nghĩa: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Tới Tân Quê Hội quán, thuộc ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh, trò chuyện với đảng viên Đặng Phụng Đức, Phó chủ nhiệm Hội quán kiêm Bí thư chi bộ ấp Tân Hậu mới thấy nỗi vất vả ban đầu của Ban Chủ nhiệm Hội quán ở đây khi mới thành lập. Nơi đây người dân có nghề trồng xoài từ bao đời nay, tuy nhiên bà con trồng theo tập quán cũ nên chất lượng xoài ngày một thấp. Ông Đức đã cùng một số người tâm huyết với nghề đi học tập kinh nghiệm một số nơi, được sự giúp đỡ của ban, ngành các cấp thành lập nên Tân Quê Hội quán, ông và các thành viên ban chủ nhiệm mong muốn kêu gọi bà con địa phương chung tay góp sức trồng xoài sạch để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

Từ ý tưởng đó, qua từng vụ, ông Đức đã đi tiên phong làm trước cho bà con xem, bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăm bón xoài theo hướng sinh học bền vững, vườn xoài nhà ông đã cho ra những sản phẩm an toàn, được doanh nghiệp đến tận nơi đặt hàng thu mua, giá cả ổn định. Từ đó, các thành viên trong Hội quán của ông đã lần lượt làm theo, để bây giờ Tân Quê Hội quán đã có 70 ha xoài được trồng theo công nghệ mới.Ông Đức cũng đã kêu gọi bà con trong ấp, nhất là các tiểu thương tại khu vực chợ quê bằng cách viết thư ngỏ gửi tới tận tay mọi người để nhờ mọi người thu gom, phân loại rác về tại khu vực vườn nhà ông. Đối với rác hữu cơ, ông xây hố đựng để ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng, nhờ đó đường làng ngõ xóm phong quang sạch sẽ, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải.

…Hội quán của chúng tôi đã tập hợp những nông dân cần cù, năng động, sáng tạo, tâm huyết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, gắn những hoài bão của cá nhân với mục tiêu chung của “Tân Dân Hội quán”, cộng đồng và xã hội. Làm cầu nối giữa người dân với chính quyền địa phương về kinh tế - xã hội.”

(Nguyễn Văn Nghé-Chủ nhiệm Tân Dân Hội quán)

Ở Minh Tâm Hội quán, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, hỏi đảng viên Võ Hữu Hiền, một người đam mê cây cảnh thì không ai không biết. Biết là bởi từ nhiều năm nay, ông Hiền luôn là nhà tài trợ cho các hoạt động từ thiện ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Truyện, Chủ nhiệm Minh Tâm Hội quán cho biết, là đảng viên tham gia Hội quán, nên ông Võ Hữu Hiền rất gương mẫu và đi đầu trong mọi phong trào. Ông Hiền luôn giúp đỡ mọi người cách chăm sóc cây cảnh, cách chăm sóc cây ăn trái. Ở địa phương có việc gì cần đến kinh phí ông Hiền đều nhiệt tình tham gia đóng góp. Ngoài ra, hàng tháng, ông Hiền đi vòng quanh xã hớt tóc miễn phí cho các cụ già neo đơn, đối tượng chính sách.

Ở Đồng Tháp, các đảng viên là thành viên Hội quán ngoài công việc đồng áng, ruộng vườn hàng ngày, họ còn là nhân tố tích cực trong việc phối hợp để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, rút ngắn khoảng cách giữa người dân và nhà nước; giữa cán bộ lãnh đạo với bà con nông dân. Điều này dễ dàng thấy khi các Hội quán chủ động phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương lồng ghép tuyên truyền, thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp, hiện đã có gần 600 đảng viên là thành viên Hội quán, 15 đảng viên là Chủ nhiệm Hội quán, qua đây đáp ứng tốt yêu cầu công tác vận động, tập hợp người dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng cập nhật thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội rèn luyện kỹ năng nắm bắt dư luận xã hội và phản biện xã hội. Đồng thời, các cán bộ kỹ thuật không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng thực tiễn, nắm vững quy trình sản xuất, công nghệ tiên tiến, xu hướng thị trường. Hầu hết, các đảng viên đều có ý thức và đóng vai trò là người tiên phong, đi đầu trong phong trào thi đua lao động, sản xuất kinh doanh giỏi.

Mảnh đất tốt để cán bộ, đảng viên trau dồi bản lĩnh

Một vườn quýt ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp- nơi các thành viêncủa Hội quán gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sản xuất (Ảnh: K.V)

Cũng theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", mô hình Hội quán có thể được xem là một gợi mở đáng tham khảo cho việc sắp xếp nội tại Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội, sáp nhập các Hội quần chúng trong thời gian tới. Hoạt động của Hội quán đã mở ra hướng đi mới trong công tác dân vận, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở nông thôn và thật sự đáp ứng nguyện vọng của nông dân, làm thay đổi nhận thức của người dân, theo hướng "Tự lực, chăm chỉ, hợp tác".

Hoạt động của Hội quán cũng đã góp phần đa dạng hóa loại hình tập hợp nhân dân, chỉ ra hướng khắc phục biểu hiện "hành chính hóa", "công chức hóa", "quan chức hóa" trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là việc đổi mới nội dung hoạt động đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đồng thời, phát huy dân chủ và nguồn lực của những người tiêu biểu, có uy tín, kinh nghiệm và có tâm huyết làm nòng cốt trong thông tin, truyền thông, vận động nhân dân góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ngoài ra, mô hình Hội quán còn góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó, tại mỗi kỳ sinh hoạt Hội quán, luôn có sự tham gia của lãnh đạo địa phương, đại diện Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành của Tỉnh, huyện, các chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học trong và ngoài tỉnh trên tinh thần tự nguyện, giúp bà con kịp thời nắm bắt thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; các chuyên gia, kỹ sư chuyên ngành chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật cho thành viên Hội quán. Có thể thấy, đây là điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên bám sát thực tiễn, không ngừng học hỏi, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực, uy tín trong công tác. Kênh phản hồi từ Ban chủ nhiệm Hội quán đã giúp cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên đánh giá đúng năng lực, uy tín của từng cán bộ, đảng viên.

Từ đó, giúp cấp ủy phát hiện những cán bộ có triển vọng để bồi dưỡng, bổ sung vào nguồn cán bộ kế cận, sàng lọc, sắp xếp cán bộ đúng năng lực, sở trường công tác. Đảng viên là thành viên Hội quán nắm được tình hình sản xuất, thu nhập và sinh hoạt đời sống của các hộ thành viên chưa là đảng viên. Việc làm này cũng để góp phần vào việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú, để gắn bó mật thiết với nhân dân, để cùng nhau "về làng", một phong trào đang được tỉnh Đồng Tháp phát động đến từng cán bộ, đảng viên. Bởi chỉ có về đến các cộng đồng dân cư mới nhận thấy và nhận lĩnh trách nhiệm xã hội của từng cán bộ, đảng viên. "Về làng", về đến các cộng đồng dân cư để truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nắm chắc tình hình cơ sở; đồng thời, qua đó để nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên nhất là về đạo đức, lối sống.

Từ khi có Hội quán ra đời đã góp phần khắc phục được một số hạn chế trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở như một số địa phương trước đây chưa thực hiện đầy đủ các nội dung về dân chủ như nội dung nhân dân bàn về dự án phát triển kinh tế - xã hội, thì Hội quán do chủ nhiệm đã chia nhỏ nội dung ấy ra để phát huy vai trò "Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Tại một số nơi vai trò của Ủy ban nhân dân cấp cơ sở chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thì mô hình Hội quán là nơi thuận lợi để thực hiện rất có hiệu quả. Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh cho biết, khi nắm được lịch sinh hoạt của các mô hình Hội quán trong xã, Bí thư xã này đã chỉ đạo: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành trong xã nếu có bận việc gì cũng phải gác lại để dự sinh hoạt cùng Hội quán”.

“…Hình thức sinh hoạt mang tính tập trung của các hội quán đã giúp người dân phát huy tinh thần đoàn kết, kích hoạt sự đổi mới, sáng tạo, tập hợp những người cùng ngành nghề sản xuất, tự chủ, tự lực, tự quản. Giúp các cấp ủy, chính quyền gần dân hơn, nắm tâm tư, nguyện vọng, tương tác với người dân thường xuyên; là nơi đổi mới cách tiếp cận phương pháp dân vận, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân.”

(Lê Hoàng Tam, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp)

Nhờ thông qua mô hình Hội quán từng ngành hướng dẫn cho cấp cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội và nhân dân quan tâm.Sau một thời gian ra đời và phát triển, mô hình Hội quán ở Đồng Tháp đã cho thấy vai trò tích cực của nó trong đời sống nông thôn ở đây. Mặc dù mô hình này còn có những điểm bất cập như vai trò định hướng phát triển của một số Ban chủ nhiệm Hội quán chưa được phát huy một cách tốt nhất.

Một số thành viên Hội quán thiếu sự kiên trì khi tham gia các quy trình kỹ thuật của các doanh nghiệp yêu cầu. Ngoài ra, một số thành viên vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính quyền. Đâu đó, sự hỗ trợ từ hệ thống chính trị của tỉnh chưa được đồng bộ, đôi khi có sự trùng lắp, chưa theo sát và theo đến cùng Hội quán để đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài ra, còn thiếu thông tin giữa Hội quán và doanh nghiệp, từ đó thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các bên.

Tuy nhiên, có thể khẳng định, mô hình Hội quán nông dân ở Đồng Tháp đang dần hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu liên kết, chia sẻ thông tin của người dân. Là nơi cùng “nói nhau nghe, nghe nhau nói” và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Mô hình này cũng đã và đang nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bằng chứng là trong chuyến về thăm và làm việc với tỉnh Đồng Tháp vào tháng 5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét rằng: “Hội quán nông dân là sáng kiến mới của Đồng Tháp, mong Tỉnh tiếp tục thực hiện, mở rộng dần và có tổng kết, đánh giá để có thể trở thành chủ trương chung của cả nước”. Cũng vào tháng 12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, nói chuyện với các thành viên Hội quán Thuận Tân, Tân Quê, TP.Cao Lãnh, nơi nổi tiếng với các đặc sản xoài, nhãn. Thủ tướng kỳ vọng thời gian tới các Hội quán ở Đồng Tháp sẽ đi vào hoạt động tốt hơn, tìm lời giải cho những vấn đề như nâng cao chất lượng và năng suất và chế biến các sản phẩm xoài, nhãn ở đây, đồng thời mong chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ bà con tốt nhất để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giữ vững an ninh trật tự, phát triển thương hiệu nông sản./..

K.V

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/hoi-quan-nong-dan-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-moi-o-dong-thap-532259.html