“Hồi sinh” mẫu virus 30 nghìn năm tuổi

NDĐT - Đó là thành quả của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học (PNAS, Mỹ) sau thời gian nghiên cứu mẫu virus khổng lồ được tìm thấy ở độ sâu 30 mét trong một tảng băng vĩnh cửu tại Siberia.

Pithovirus Sibericum dưới ống kính hiển vi. (Ảnh: BBC)

Chủng virus này đã được đặt tên là Pithovirus Sibericum, thuộc lớp virus khổng lồ đã được phát hiện mười năm trước.

Theo các nhà khoa học, đây là còn là mẫu virus lớn nhất thế giới đến thời điểm hiện tại. Với chiều dài 1,5 micro mét, nó lớn tới mức “có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi bình thường”.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một loại virus vẫn còn sống sau 30 nghìn năm”, GS Jean-Michel Claverie, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia, ĐH Aix-Marseille, Pháp, cho biết.

Mặc dù đây là một chủng loại virus, nhưng các nghiên cứu cho thấy, nó chỉ tấn công các sinh vật đơn bào như a-míp, chứ không gây ảnh hưởng cho người và những loài động vật khác.

“Nó sẽ xâm nhập vào tế bào của vật chủ, tự động nhân đôi liên tục và giết chết tế bào đó. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra trên tế bào của các sinh vật đơn bào”, TS Chantal Abergel, đồng tác giả của nghiên cứu này, khẳng định.

Bên cạnh công bố trên, các nhà khoa học còn cảnh báo về tình trạng nóng lên của trái đất khiến những lớp băng lâu năm tan chảy và làm phát tán những loại virus đã “ngủ yên”. Mặc dù không có nhiều khả năng nhưng loại virus này vẫn còn có thể hoạt động như Pithovirus Sibericum, nhưng đây vẫn có thể trở thành “thảm họa” nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

THIÊN BÌNH

(Theo BBC)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/khoahoc/khoa-hoc/item/22527202-%e2%80%9choi-sinh%e2%80%9d-mau-virus-30-nghin-nam-tuoi.html