Hồi sinh nghề dệt nhiễu Hồng Đô

Khoác trên mình trọng trách mang sản phẩm của người Việt đi khắp năm châu, nhiễu Hồng Đô luôn tỏa sáng rực rỡ. Người làng nghề tràn đầy khí thế, đam mê và quyết giữ bằng được nghề của cha ông để lại, đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay.

Người dân Hồng Đô tỷ mẩn chọn kén tằm. Ảnh: VT

Người dân Hồng Đô tỷ mẩn chọn kén tằm. Ảnh: VT

Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu tại Hồng Đô đã có truyền thống từ lâu đời. Người dân trong làng không rõ nghề được truyền từ đâu và tự bao giờ, nhưng vào những năm trước 1945, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu... ở Hồng Đô đã phát triển thành làng nghề truyền thống cùng với lụa Hà Đông, tơ Nam Định... nhiễu Hồng Đô nổi tiếng khắp cả nước với những bí quyết làng nghề rất đặc trưng và quý hiếm.

Đã có lúc nghề này đứng trước nguy cơ mai một khi chỉ còn vài hộ ở làng Hồng Đô, xã Thiệu Đô duy trì được nghề ươm tơ dệt nhiễu. Vài năm trở lại đây, huyện Thiệu Hóa đã triển khai nhiều giải pháp khôi phục, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, tạo nhiều cơ chế hỗ trợ khôi phục nghề, nên nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu khởi sắc trở lại. Khoác trên mình trọng trách mang sản phẩm của người Việt đi khắp năm châu, nhiễu Hồng Đô luôn tỏa sáng rực rỡ. Người làng nghề tràn đầy khí thế, đam mê và quyết giữ bằng được nghề của cha ông để lại.

Về Thanh Hóa có dịp đi trên những triền đê sẽ ngắm nhìn những nương dâu trải dài xanh ngát với hình ảnh những cô thôn nữ tay thoăn thoắt hái dâu, chăn tằm, dệt lụa và lắng nghe tiếng thoi lách cách vốn vẫn được xếp trong “Thế gian đệ nhất tam lạc thanh”… Sự thanh bình, trong trẻo đó như đánh thức trong ta sự bình yên của tuổi thơ mà mỗi người luôn ao ước quay về.

Dân gian có câu: “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Vì thế, nghề dệt nhiễu rất quan trọng khâu trồng dâu nuôi tằm, khâu bận rộn và cẩn trọng nhất. Để có được cân kén, búp tơ, tấm nhiễu, người trồng dâu nuôi tằm cũng phải trăn trở, toan lo, chăm chút và phải trải qua một quy trình chăn nuôi rất nghiêm ngặt với những yêu cầu kỹ thuật và kinh nghiệm nhà nghề. Đến khâu dệt nhiễu cũng lắm công phu, để có được những tấm nhiễu đẹp, mịn thì người thợ phải chọn tơ tốt, sợi phải bóng làm ra được một tấm nhiễu phải trải qua từ 17 - 20 công đoạn. Người thợ dệt phải ngồi thật cân đối, con thoi đưa qua lại phải thật đều tay, đòi hỏi phải có sức bền, tâm huyết với nghề thì mới có những sản phẩm đẹp đến tay người tiêu dùng. Tơ Hồng Đô từ lâu đã nức tiếng là loại tơ bền, mềm, đẹp.

Hồng Đô là một làng nghề đặc biệt vì từ công đoạn đầu đến công đoàn cuối là hoàn toàn khép kín, chỉ người dân Hồng Đô mới làm được. Các cụ cao niên trong làng kể: Xưa kia để giữ nghề, gái làng không gả chồng xa, sợ bí quyết nhà nghề bị truyền sang làng khác. Nhưng nay thì khác, người dân Hồng Đô không giấu nghề đã cử cán bộ có nhiều kinh nghiệm đi truyền nghề cho các xã trong huyện, trong tỉnh đã đưa một nghề truyền thống vốn đứng trước nguy cơ bị mai một đã hồi sinh.

Hiện toàn xã Thiệu Đô có 300 hộ nuôi tằm, 40 hộ ươm tơ và 1 doanh nghiệp chế biến dâu tằm tơ. Cũng nhờ có làng nghề mà đời sống kinh tế của nhân dân được nâng cao, có những hộ cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Vào giai đoạn 2013 - 2016, UBND huyện Thiệu Hóa đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Thiệu Đô. Cụ thể, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha cho các tổ chức, hộ gia đình tham gia nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trong đó, hỗ trợ 5 triệu đồng cho việc mua giống mới để thay thế giống cũ và 10 triệu đồng cho việc đào phá gốc dâu cũ đã kém năng suất, hiệu quả.

Tiếp đó, UBND xã Thiệu Đô cũng xây dựng dự án “Khôi phục và phát triển làng nghề giai đoạn 2010-2016”. Theo đó, giai đoạn 1 (năm 2014), hỗ trợ các hộ 50 triệu đồng mua hạt dâu giống; giai đoạn 2 (năm 2015) hỗ trợ 200 hộp giống tằm; giai đoạn 3 (năm 2016) hỗ trợ 15 máy móc phục vụ việc dệt nhiễu. Năm 2017, huyện Thiệu Hóa giúp người dân tìm đầu ra, áp dụng khoa học kỹ thuật, tham gia nhiều lớp tập huấn, giới thiệu sản phẩm, hội chợ… Tuy nhiên, số hộ trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn xã Thiệu Đô đến lúc này vẫn còn khá khiêm tốn, đây cũng chính là 1 trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển sản phẩm của làng nghề.

Nhãn hiệu tập thể Tơ Hồng Đô hiện nay đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định cấp Văn bằng bảo hộ. Đây là cơ hội để sản phẩm Tơ Hồng Đô nâng cao giá trị, danh tiếng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người sản xuất tơ, người trồng dâu, nuôi tằm; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Đến thời điểm hiện tại, nghề trồng dâu nuôi tằm đã phát triển ở 11 xã nằm dọc ven đê sông Mã, sông Chu của huyện Thiệu Hóa. Các xã có diện tích trồng dâu lớn là: Thiệu Đô, Thiệu Phúc, Thiệu Vũ, Thiệu Nguyên, Thiệu Minh, Thiệu Thịnh, Thiệu Tiến... với diện tích trên 200ha. Nhiều hộ dân trong huyện còn đứng ra thu mua tơ tằm từ các huyện lân cận về phát triển nghề dệt lụa. Nghề truyền thống này hiện đang thu hút hàng nghìn lao động ở địa phương, thu nhập cao.

Văn Thanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/hoi-sinh-nghe-det-nhieu-hong-do_t114c7n131183