Hồi sinh nhịp đập của những trái tim thơ

10 năm qua, Chương trình 'Trái tim cho em' đã giúp 4.500 em nhỏ được hỗ trợ phẫu thuật, 100.000 em nhỏ được khám sàng lọc tim miễn phí tại 50 tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa; hơn 40 bệnh viện được tài trợ trang thiết bị giúp nâng cao năng lực phẫu thuật, điều trị tim mạch… Thông qua chương trình, những nhịp đập yếu ớt của trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh trên khắp cả nước đã được hồi sinh.

Hành trình 10 năm của những tấm lòng nhân ái

Năm 2008, Chương trình “Trái tim cho em”-một chương trình nhân đạo do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (nay là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội-Viettel) và Quỹ Tấm lòng Việt-Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện nhằm hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ em nghèo dưới 16 tuổi; đồng thời nâng cao năng lực khám, chữa các bệnh về tim mạch cho hệ thống y tế tại Việt Nam; tổ chức các hoạt động khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh dành cho trẻ em khu vực vùng sâu, vùng xa giúp phát hiện và điều trị kịp thời cho các em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh.

Bệnh tim là một trong những căn bệnh có chi phí điều trị đắt đỏ. Vì vậy, nếu không có những hỗ trợ tích cực về y tế thì người mắc bệnh tim luôn đứng trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Đối với những gia đình nghèo, làm sao để trái tim của con em mình được đập đúng nhịp như những trái tim khỏe mạnh khác vẫn còn là một ước mơ xa vời. Chính vì thế, với tấm lòng nhân ái, những đơn vị tổ chức Chương trình “Trái tim cho em” đã giúp nhiều trái tim thơ có nhịp đập lỗi được cứu chữa. Nhờ đó, nhiều em được tiếp tục thực hiện ước mơ của mình, nhiều cuộc đời được đổi thay.

Các bác sĩ khám sàng lọc miễn phí cho trẻ em nghèo bị bệnh tim. Ảnh minh họa

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, một trong những bác sĩ gắn bó với Chương trình “Trái tim cho em” từ những năm đầu tiên, chia sẻ: “Thời gian đầu, việc khó khăn nhất là khám sàng lọc bởi những trường hợp trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh chỉ được phát hiện bệnh khi đã bước vào giai đoạn muộn. Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình tưởng đã hết hy vọng khi con mắc bệnh tim, nhưng nhờ chương trình mà các cháu đã được phẫu thuật, lành bệnh. Từ những em bé ốm yếu trở thành những cô, cậu thanh niên tràn đầy ước mơ, tới gần hơn những mục tiêu của đời mình, bước vào cánh cổng đại học, đi du học, đi làm và có cuộc sống ổn định. Món quà ý nghĩa nhất sau Chương trình “Trái tim cho em” với các bệnh nhân là cánh cửa rộng mở bước vào đời, còn với các bác sĩ là được chứng kiến cuộc sống mới của bệnh nhân".

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, tâm sự: “Ngay từ khi hình thành ý tưởng, Viettel đã tập trung chuẩn bị nhân lực, vật lực. Cán bộ Viettel đã đi xuống từng thôn, bản để tiếp cận, lấy thông tin của bệnh nhân. Đồng thời, Viettel cũng phối hợp với các bệnh viện trên toàn quốc để khám sàng lọc cho hàng trăm nghìn bệnh nhân; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý thông tin bệnh nhân hiệu quả; tổ chức tư vấn trực tuyến giữa người dân và các chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam”.

GS, TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E thì không thể quên ca phẫu thuật đầu tiên của ông trong Chương trình “Trái tim cho em” đối với một bệnh nhi 4 tháng tuổi bị tim bẩm sinh nặng. Trong phòng mổ, các bác sĩ giành giật sự sống cho bệnh nhi; bên ngoài, ca sĩ cất tiếng hát quyên góp tiền ủng hộ cho chương trình. Sau đó, mỗi dịp cuối tuần, ông lại cùng các bác sĩ trẻ đi khám sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ em ở khắp mọi miền Tổ quốc. Sau mỗi chuyến đi, ông chiêm nghiệm ra được điều quý báu trong cuộc sống: “Hãy dạy bác sĩ trẻ cách làm người trước khi làm nghề”. Bởi vì, những lần đi khám như thế không chỉ là cơ hội để các y sĩ, bác sĩ nâng cao trình độ chuyên môn, mà còn giúp họ thêm thương yêu và cảm thông với người bệnh.

Sẽ có nhiều công nghệ mới được ứng dụng

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có 12.000 trẻ em mắc tim bẩm sinh được sinh ra, nhưng không phải bé nào cũng được chữa trị. Hoàn cảnh khó khăn khiến rất nhiều trái tim bé nhỏ đã ngừng nhịp đập. Bước sang năm thứ 11, Viettel cam kết tiếp tục đồng hành với chương trình, không chỉ bằng kinh phí mà còn áp dụng công nghệ mới giúp phát hiện và điều trị kịp thời cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Theo đó, bước đầu Viettel đã đầu tư máy đo độ bão hòa oxy cầm tay cho trẻ sơ sinh và ống nghe điện tử Littmann Model 3200, cùng với hệ thống phần mềm quản lý, giúp các cơ sở sản khoa trên địa bàn tỉnh An Giang có thể hội chẩn nhanh chóng với các bác sĩ tim mạch của Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hệ thống sẽ phát hiện bệnh tim bẩm sinh kịp thời và từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị sớm cho các bé. Dự kiến, khoảng 30.000 trẻ ra đời trong năm 2018-2019 tại An Giang sẽ được tầm soát bệnh tim bẩm sinh từ khi chào đời. Việc ứng dụng công nghệ vào phát hiện bệnh tim sẽ giúp các gia đình sớm được hỗ trợ, tiết kiệm thời gian và chi phí, công sức của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, các nhà tài trợ.

Chương trình "Trái tim cho em" đã có hành trình 10 năm với nhiều khó khăn, nhọc nhằn của những đơn vị tổ chức, của các bác sĩ, nhưng mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho nhiều bệnh nhi và gia đình. Qua chương trình có thể thấy được lòng nhân ái và sự sẻ chia trong xã hội ta ngày càng lan tỏa.

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/hoi-sinh-nhip-dap-cua-nhung-trai-tim-tho-554197