'Hồi sinh' rác thải nhựa dưới dạng nguồn lực khác nhau

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa gây nguy hại đến môi trường, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và sự hợp tác của các bên liên quan trong vòng đời của sản phẩm nhựa.

Mỗi phút - một xe tải đầy rác thải nhựa đổ ra đại dương

Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa và thách thức toàn cầu đối với môi trường, kinh tế và xã hội. Mỗi năm, 8 triệu tấn rác thải nhựa – tương đương một phút một xe tải đầy rác thải nhựa - đổ ra đại dương, đang gây ra những tác động tiêu cực đến chuỗi thức ăn, sức khỏe hệ sinh thái và sinh kế của cộng đồng ven biển.

Theo Nicholas Mallos, thuộc Ủy ban Bảo vệ Đại dương, ước tính đến năm 2025, cứ 1 tấn rác thải nhựa sẽ làm mất đi 3 tấn cá. Một số lượng không thể tưởng tượng về hậu quả môi trường và kinh tế.

8 triệu tấn rác thải nhựa – tương đương một phút một xe tải đầy rác thải nhựa - đổ ra đại dương mỗi năm. Ảnh minh họa

Bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết, quản lý rác thải là một vấn đề lớn liên quan đến sức khỏe cộng đồng, yếu tố kinh tế cũng như thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của các bên. Tuy nhiên, vấn đề quản lý rác thải không được giải quyết một cách trực tiếp do cách tiếp cận giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa có xu hướng bị lạc hướng trong rất nhiều mối quan tâm lớn hơn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoài Linh – Enda (Tổ chức Hành động phát triển môi trường vì thế giới thứ ba)cho rằng, chúng ta đang thiếu quan hệ đối tác công – tư để giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý chất thải nói chung và quản lý chất thải nhựa nói riêng. Thiếu các quy định/luật về chất thải nhựa; các trung tâm tái chế nhựa lại có công nghệ thấp, lạc hậu; thiếu cơ chế huy động vốn đầu tư bên ngoài để tái chế nhựa.

Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa và thách thức toàn cầu

Bên cạnh đó, vấn đề phân loại chất thải tại nguồn đang là thách thức lớn bởi cần phải thay đổi suy nghĩ và hành vi của những cộng đồng tạo ra chất thải. Việc này cần có thời gian dài và đồng bộ từ cấp quốc gia đến cơ sở. Người dân không chú ý nhiều đến việc bảo vệ môi trường; họ chỉ tập trung vào cách kiếm tiền, cách vượt qua đói nghèo. Họ nghĩ rằng chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chứ không phải người dân cộng đồng.

Theo đại diện IUCN, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và sự hợp tác của các bên liên quan trong vòng đời của sản phẩm nhựa để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa gây nguy hại đến môi trường,

“Hồi sinh” rác thải nhựa dưới nhiều dạng nguồn lực

Để xử lý ô nhiễm rác thải nhựa, Enda đưa ra chiến lược nâng cao nhận thức cộng đồng. Trong đó, tiến hành các hoạt động truyền thông về phân loại chất thải tại nguồn, độ nguy hại của nhựa, huy động 3Rs cộng đồng, 5Rs (Từ chối-Giảm-Tái sử dụng-Tái chế-Thay thế). Làm việc với các khu vực tư nhân để tái chế chất thải: hợp tác công-tư để cải thiện mức sống cho khu vực phi chính thức và tìm giải pháp tái chế nhựa…

Cuối năm 2017, IUCN đã khởi xướng sáng kiến “Rác thải nhựa và Cộng đồng ven biển" (MARPLASTICCs) nhằm tăng cường thực thi pháp luật và đề xuất các giải pháp hiệu quả góp phần giảm thiểu rác thải nhựa. Sáng kiến tập trung vào 4 nhóm chính: Kiến thức, Năng lực, Chính sách và Doanh nghiệp.

Hạn chế tiến tới dừng sử dụng nhựa một lần

Đây là một sáng kiến toàn cầu do Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy điển (Sida) tài trợ. Dự án này được thực hiện trong 3 năm tại Châu á và Châu Phi, tập trung vào 5 quốc gia Mozambique, Kenya,Nam Phi, Thái Lan, và Việt Nam. Dự kiến sáng kiến này sẽ góp phần trang bị cho Chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tại Châu Á và Châu Phi kiến thức, năng lực, các cơ hội hính sách và xây dựng kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Đưa ra giải pháp để hạn chế rác thải nhựa, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam cho biết, những năm qua, nền kinh tế thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng.

Theo đó, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm rủi ro về khan hiếm các nguồn lực trong tương lai, giải quyết các vấn đề về môi trường. Một trong những mục tiêu hướng tới của sáng kiến "Zero Waste to Nature" giữa Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam là giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa.

Chương trình đề xuất các khuyến nghị về chính sách, giúp tạo điều kiện xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp; giới thiệu những thông lệ tốt của các doanh nghiệp trên thế giới đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và hỗ trợ triển khai những sáng kiến dựa trên mô hình hợp tác công - tư.

Tuyết Chinh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/hoi-sinh-rac-thai-nhua-duoi-dang-nguon-luc-khac-nhau-1259431.html