Hồi sinh sông Tô Lịch tại chỗ: Chỉ là giải quyết phần ngọn

Kể từ khi các chuyên gia Nhật Bản tới thử nghiệm công nghệ làm sạch sông Tô Lịch cho đến nay đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Việc 'hồi sinh' dòng sông này của Hà Nội đã có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sau nhiều diễn biến, dư luận lại đang quay về ý kiến ban đầu: Liệu có thể làm sạch sông Tô Lịch tại chỗ?

Vừa qua, chúng ta ngỡ ngàng trước việc chuyên gia Nhật Bản bơi ở đoạn thử nghiệm công nghệ Nano – Bioreactor. Hành động này của phía Nhật Bản đã phần nào chấn an dư luận sau khi Công ty Thoát nước Hà Nội xả liên tục 3 ngày liền nước Hồ Tây và cuốn trôi mọi kết quả thử nghiệm.

Việc chuyên gia Nhật tự tắm dưới sông Tô Lịch quả là một hành động dũng cảm và cũng để chứng tỏ rằng, công nghệ của Nhật Bản hoàn toàn có khả năng xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Một hy vọng mới lại được nhen nhóm trong lòng người Hà Nội.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến không ủng hộ khi cho rằng, hành động trên là làm “màu”, như việc chuyên gia Nhật xuống ngửi bùn không chứng tỏ được gì bởi đó là khu vực đã được làm sạch…

Nhìn chung mọi vấn đề sẽ đều có hai mặt và luôn có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhưng ở đây, chúng ta nên nhìn nhận cái gốc của vấn đề, cũng là ý kiến được dư luận nhắc đến nhiều, đó là: Hồi sinh sông Tô Lịch phải làm từ gốc, không thể cậy công nghệ mà xử lý tại chỗ. Vậy gốc ở đây là đâu? Chính là nguồn xả nước thải, rác ra hơn 300 miệng cống đặt suốt chiều dài hơn 14km của sông.

Xử lý tại chỗ chỉ là “chữa cháy”, không giải quyết được tận gốc vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch.

Xử lý tại chỗ chỉ là “chữa cháy”, không giải quyết được tận gốc vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch.

Về công nghệ Nhật Bản đang được áp dụng, chúng ta thấy rõ là tại điểm thử nghiệm, nước trong hơn, không có mùi thối… Nhưng theo PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) thì đây là biện pháp xử lý tại những khu vực nước tù và không phát sinh nguồn thải vào thường xuyên. Còn đối với những dòng sông nước thải chảy vào liên tục, hoặc dòng sông động thì hiệu quả chưa thể đánh giá được…

Cùng chung quan điểm trên, chuyên gia môi trường Đỗ Thanh Bái chia sẻ, ông hoàn toàn ủng hộ các ý kiến, biện pháp tích cực và hiệu quả để làm sạch dòng sông lịch sử này của Thủ đô nhưng với hơn 150.000 mét khối/ngày đêm, đó là chưa kể mùa mưa, nước thải từ khắp nơi đổ về thì không biết máy móc kia sẽ hoạt động với tốc độ nào? Rồi các bài toán về kinh tế sẽ phải cân nhắc nếu triển khai công nghệ Nhật Bản dọc sông Tô Lịch…

Ông cũng nhắc đến một vấn đề không mấy ai nhắc đến: Tại sao không xử lý ở nguồn xả thải mà lại tập trung xử lý ở chỗ nhận thải?

Chuyên gia Hàn Tân Việt – Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường ĐH TP Hồ Chí Minh) cho biết, công nghệ chỉ là công cụ, cần phải phối hợp đồng bộ với nhiều giải pháp khác. Cụ thể trong việc xử lý nước sông Tô Lịch, áp dụng công nghệ hiện đại của các bạn Nhật Bản là điều cần thiết, hợp lý nhưng nguyên nhân gốc rễ cùng phải được xử lý. Phải xác định được nguồn nước thải, xử lý bằng nhiều cách khác nhau như phân loại, lọc nước thải rồi mới xả ra môi trường.

Ba vị chuyên gia với ba ý kiến khác nhau nhưng họ đều băn khoăn: Xử lý nước sông Tô Lịch tại chỗ có thật sự hiệu quả? Hà Nội hiện có 7 nhà máy xử lý nước thải ở Hà Nội phục vụ cho hơn 8 triệu người thì, đó là điều không thể; 7 nhà máy này chỉ xử lý được 22% lượng nước thải còn lại là xả thẳng ra môi trường. Trên sông Tô Lịch, ước tính hàng ngày có hơn 150.000 mét khối/ngày đêm được thải ra. Biện pháp tại chỗ rõ ràng là không khả thi.

Công ty Thoát nước Hà Nội hiện đang áp dụng công nghệ Redoxy 3 của Đức làm sạch một số hồ ở Hà Nội, nhìn chung cũng có một số kết quả tích cực nhưng thực tế này cũng nảy sinh vấn đề: Liệu công nghệ Đức có hiệu quả ở vùng nước chảy hay không? Đó là điều chưa được kiểm chứng. Vừa rồi, ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty này đề xuất xin 150 tỷ làm hệ thống bơm nước sông Hồng vào Hồ Tây, khi nước Hồ Tây sạch thì bơm vào sông Tô Lịch?!

Ông Hùng cũng cho biết tại buổi họp báo ngày 13-8 như sau: "Thành phố cũng đang thực hiện dự án tách nước thải, không để nước thải chảy vào sông Tô Lịch mà gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngày/đêm và dự kiến 4 năm nữa dự án tách nước thải sẽ hoàn thành".

Tuy nhiên, GS.TS Vũ Trọng Hồng đặt vấn đề rằng, sông Hồng là sông cổ, luôn luôn biến đổi dòng nên dễ bị bồi lấp hoặc xói lở, vì vậy vị trí chọn xây dựng trạm bơm cần ổn định, ít bị thay đổi, tránh việc xây dựng chỉ khoảng 3 năm lại phải thay đổi thì rất tốn chi phí. Nếu chỉ lấy nước sông Hồng vào thì sẽ đẩy ô nhiễm xuống sông Nhuệ, từ sông Nhuệ ra sông Đáy rồi trở lại chính sông Hồng. Phải chăng nên nạo vét bùn ở Tô Lịch trước rồi hẵng xả nước vào…

PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, đề xuất trên của Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội giống như pha loãng nước thải tại vị trí đó và đẩy chất thải xuống hạ lưu. Ông Côn đề xuất, thứ nhất là không xả nước thải vào sông nữa; thứ hai là phải giữ mực nước sông từ 1-1,5m thì lúc đó nó tự làm sạch. Đồng thời nguồn nước thải ra sông có độ ô nhiễm không vượt quá ngưỡng tự làm sạch của con sông thì tự nhiên sông sẽ sống lại.

Có lẽ, công cuộc hồi sinh sông Tô Lịch sẽ chẳng bao giờ có hồi kết khi mà những nhà lãnh đạo, những chuyên gia trong và ngoài nước chỉ chăm chăm áp dụng công nghệ xử lý tại chỗ mà quên đi rằng: Mọi vấn đề đều có nguồn gốc, có xử lý được ở gốc thì phần ngọn mới tốt. Nếu họ nghĩ rằng, áp dụng công nghệ tại chỗ sẽ tạo nên cuộc cách mạng, sẽ làm thay đổi tư duy, cách làm cũ ngày trước thì họ đang hoàn toàn nhầm và sự nhầm lẫn đó ảnh hưởng lớn nhất là tới cuộc sống của người dân.

Phong Sơn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/hoi-sinh-song-to-lich-tai-cho-chi-la-giai-quyet-phan-ngon-557837/