Hồi sinh vùng ven biển xói lở

Nhờ những giải pháp kỹ thuật mà hơn 3ha rừng ngập mặn ven biển tại khu vực từng bị sóng đánh xói lở nghiêm trọng đã được trồng lại.

Khi “lá chắn xanh” đã được khôi phục hoàn toàn, những mối đe dọa từ thiên nhiên đã được giảm thiểu, đời sống một vùng quê ven biển đã được hồi sinh.

Chiều xuống, chạy xe trên tuyến đê biển thuộc ấp Vàm Rầy (xã Bình Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang), một bên là rừng cây mắm xanh tốt, một bên là nhà dân, với ruộng vườn, vuông tôm máy quạt nước chạy trắng xóa, tôi cảm nhận cuộc sống nơi đây thật thanh bình. Rừng mắm ken dày đặc và cao quá đầu người, đứng từ trên mặt đê phía trong không thể nhìn thấy biển, chỉ nghe tiếng sóng rì rào từ ngoài vỗ vào. Nếu không được người dân địa phương cho biết, tôi không thể hình dung nơi đây đã từng là khu vực bị sạt lở rất nghiêm trọng, người dân phải bỏ nhà cửa đi tha phương làm thuê, làm mướn kiếm sống.

Nhà bà Năm Thu (Nguyễn Thị Thu, 61 tuổi) từng bị ảnh hưởng rất nặng nề khi rừng phòng hộ bị mất, đê biển bị sóng đánh vỡ. Sản xuất bị đình trệ, ruộng vườn bỏ hoang, cả nhà phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày.

Bà Nguyễn Thị Thu chỉ khu vực từng bị sóng đánh vào đến giữa nhà do bị mất rừng phòng hộ, đê biển bị sạt lở

“Khổ lắm chú ơi! Mỗi khi có triều cường hay mưa bão là sóng biển đánh văng tung tóe vào tận giữa nhà. Đến đứa trẻ con cũng không thể ngủ ngon giấc vì giường chiếu ướt hết. Không đi làm mướn thì cũng chẳng dám ở nhà, sợ bị sóng đánh sập bất cứ lúc nào”, bà Năm Thu nhớ lại những năm tháng gian khó đã qua.

Từ huyện Gò Quao, vợ chồng bà Thu đưa con cái qua khu vực Vầm Rầy mua trên 10 công đất để sinh sống cách đây gần 40 năm. Khi đó, đai rừng trước biển còn rất dày nên cuộc sống cũng yên ổn. Nhưng những năm gần đây, do tác động của nhiều nguyên nhân, rừng phòng hộ cứ mất dần, sóng đánh vào tới tận chân đê. Nặng nhất là năm 2008, một đoạn đê ngăn mặn dài khoảng 500m tính từ kênh Tám Nguyên hướng về kênh 287 thuộc ấp Vàm Rầy đã bị sóng biển và triều cường gây sạt lở nghiêm trọng .

Rừng ngập mặn bảo vệ phía ngoài đê bị phá vỡ từng mảng, nhiều đoạn đê bị biến mất, nước biển tràn vào phá hại mùa màng và làm cản trở các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực, đặc biệt là việc đi lại học hành của các em học sinh. Hơn 25ha hoa màu, vườn cây ăn trái, ao nuôi trồng thủy sản của người dân bị mất trắng do vỡ đê, nước biển tràn vào.

Theo bà Năm Thu, thời điểm đó học sinh ở đây đi học khổ lắm, ngày biển cạn thì cũng lầy lội, đến trường lấm lem. Còn biển động, triều cường thì phải có người lớn cõng qua khu vực sạt lở mới đến trường được.

Bà Nguyễn Thị Thu bên hơn 3 ha rừng ngập mặn trước nhà đã được khôi phục hoàn toàn, tạo thành lá chắn xanh che chắn trước sự xâm lấm của biển

Thấu hiểu được những khó khăn của người dân địa phương, Dự án Bảo tồn và Phát triển các trọng điểm Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang, nay là Chương trình Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển (ICMP) được thực hiện bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã nghiên cứu đầu tư khôi phục lại hệ thống rừng ngập mặn ven biển nhằm ngăn chặn những tác động xấu của thiên tai đang đe dọa.

Trong vòng 3 năm (2009 – 2011), gần 3ha rừng ngập mặn tại khu vực xói lở đã được khôi phục nhờ giải pháp hệ thống hàng rào cừ tràm có tác dụng giúp giảm sóng, giữ bùn và bảo vệ cây rừng mới trồng. Đến nay, cây trồng đã phát triển thành rừng, tạo thành vành đai bảo vệ chắc chắn phía bên ngoài.

Có rừng tạo thành “lá chắn xanh” phía ngoài, những đe dọa từ thiên nhiên đã được giảm thiểu, việc bắt tay xây dựng lại đời sống, khôi phục lại sinh kế là công việc được chính quyền địa phương cũng như tổ chức GIZ quan tâm hàng đầu.

Những chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân thông qua hoạt động cung cấp cây, con giống để làm vườn, nuôi trồng thủy sản. Đồng lúa, vườn cây, ao cá, vuông tôm nối tiếp nhau mọc lên đã dần dần thay thế cho cảnh xác xơ hoang tàn của một vùng xói lở ngày nào. Thu nhập của các hộ được cải thiện đáng kể và dần dần được tăng lên.

Bên cạnh phục hồi sinh kế, việc nâng cao nhận thức về môi trường, về ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân cũng được chú trọng. Nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường trong khu vực đã diễn ra như trồng rừng phòng hộ ven biển, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, thu gom rác thải hay lồng ghép hoạt động về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học trong nhà trường… Nhờ vậy, vai trò của rừng ngập mặn đã được nâng lên trong ý thức cộng đồng, rừng phục hồi đến đâu được người dân chung tay bảo vệ đến đó. Một vùng quê ven biển thanh bình đã được hồi sinh.

Người dân ấp Vàm Rầy có thêm nguồn thu nhập từ trồng rau màu, nhờ có đai rừng phòng hộ ven biển đã được khôi phục

Ông Phạm Ngọc Pha, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: “Nhờ được hỗ trợ về tài chính cũng như các giải pháp kỹ thuật, vùng đất sạt lở tại ấp Vàm Rầy nay đạ được khôi phục lại diện tích rừng ngập mặn, đê biển được bảo vệ vững chắc. Đời sống của người dân từ đó cũng thay đổi nhiều nhờ sinh kế được đảm bảo. Các mô hình phát triển kinh tế như trồng rau màu, trồng chuối, dừa, nhất là nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm công nghiệp đã giúp người dân phát triển kinh tế rất tốt. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay tại vùng đất khó khăn do mất rừng, đê biển bị sóng đánh sạt lở nghiêm trọng một thời”.

Đ.T.CHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hoi-sinh-vung-ven-bien-xoi-lo-post229819.html