Hội Tam Hoàng băng đảng tội phạm đe dọa trị an Hồng Kông

Cảnh sát Hồng Kông đã xác nhận một số nghi phạm bị bắt trong vụ hành hung người biểu tình ở ga Yuen Long tối 21-7 có liên hệ với Hội Tam Hoàng

Chiều 27-7, tại ga Yuen Long, nơi nhóm côn đồ bịt mặt từng đánh bị thương hàng chục người biểu tình, nhiều người Hồng Kông đã biểu tình phản đối Hội Tam Hoàng và vụ côn đồ tấn công người biểu tình đêm 21-7 khiến ít nhất 45 người bị thương, bởi trước đó Cảnh sát Hồng Kông đã xác nhận một số nghi phạm bị bắt trong vụ hành hung người biểu tình ở ga Yuen Long tối 21-7 có liên hệ với Hội Tam Hoàng.

Vụ việc này một lần nữa cho thấy Hội Tam Hoàng đang có những hoạt động gây ảnh hưởng đến trị an ở Hồng Kông, nơi mà từ nhiều năm nay cảnh sát đã liên tục tiến hành các chiến dịch truy quét nhưng vẫn không diệt được tận gốc…

Hơn 300 năm lịch sử Hội Tam Hoàng

Hội Tam Hoàng ban đầu là Thiên Địa Hội (hay còn gọi là Hồng Hoa Hội). Tổ chức này thực chất ban đầu là một phong trào "phản Thanh phục Minh" của các lực lượng nổi dậy chống lại ách cai trị của tộc người Mãn Châu thiểu số dưới thời nhà Thanh. Khi đó, người Hán coi người Mãn Châu là những kẻ xâm lược nước ngoài.

Thiên Địa Hội ra đời vào những năm 1760, với mục đích lật đổ nhà Thanh và khôi phục sự cai trị của người Hán ở Trung Quốc. Do những tác động của xã hội, Thiên Địa Hội đã tách ra thành một số tổ chức nhỏ hơn. Tuy nhiên, do hình thức này mang tính tự phát nên nó đã nhanh chóng bị đập tan.

Tôn chỉ hoạt động của Hội Tam Hoàng thời đó hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực. Trong thời kỳ sơ khai, Hội Tam Hoàng với 3 trụ cột hoạt động chủ yếu ở các khu vực Bắc Giang, Đông Giang và Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Đông nên biểu tượng của hội này là huy hiệu hình tam giác. Các thành viên Hội Tam Hoàng thường xăm trổ đầy người, trong đó chủ yếu là hình thanh kiếm và Quan Vân Trường.

Năm 1841, nhà Thanh nhượng Hồng Kông cho Anh. Với mục tiêu biến Hồng Kông thành một thương cảng giao thương tự do, người Anh bắt đầu công cuộc khai hoang ở đây, vì vậy cần một lượng lớn người lao động. Thời điểm ấy, ở Trung Quốc đại lục, thiên tai khắp nơi khiến người dân lâm vào cảnh đói kém, thất nghiệp.

Những người này di cư sang Hồng Kông kiếm sống và làm việc cho đế quốc Anh. Nhưng họ cũng cần một tổ chức đứng ra bảo vệ cho quyền lợi của mình, vì vậy gia nhập Hội Tam Hoàng để mưu cầu sự "bảo vệ" và giúp đỡ. Thời kỳ đầu cai quản Hồng Kông, do lượng người di cư từ đại lục sang rất lớn nên người Anh muốn cộng đồng người Hoa tự chủ, tự trị bởi chính quyền không thể cung cấp được điện, nước và các dịch vụ công cộng khác.

Đây chính là cơ hội cho Hội Tam Hoàng xây dựng các trạm cấp điện, nước bất hợp pháp để thu lợi nhuận riêng. Người lao động không những không phản đối mà còn tự nguyện sử dụng các loại dịch vụ của Hội Tam Hoàng.

Không chỉ cung cấp các dịch vụ liên quan tới đời sống cho người nhập cư từ đại lục đến Hồng Kông, Hội Tam Hoàng còn trở thành tổ chức đầu tiên đoàn kết mọi người lại với nhau với mục đích ban đầu là giới thiệu việc làm cho người nhập cư, những người vốn dĩ chỉ biết làm những công việc lao động chân tay như phu bốc vác, kéo xe ở các bến tàu.

Để duy trì công việc ổn định, người lao động phải gia nhập hội, mỗi hội sẽ có một địa bàn làm việc riêng cho hội viên của mình… Vì vậy, vào những năm cuối của thế kỷ XIX, Hội Tam Hoàng đã có số thành viên lên đến gần 20.000 người.

Một số thành viên Hội Tam Hoàng tấn công người biểu tình ở ga Yuen Long đêm 21-7.

Một số thành viên Hội Tam Hoàng tấn công người biểu tình ở ga Yuen Long đêm 21-7.

Ở Trung Quốc, sau Cách mạng Tân Hợi năm 1911, triều đình nhà Thanh sụp đổ. Hội Tam Hoàng khi đó mất phương hướng hoạt động vì kẻ thù thực sự của họ không còn nữa. Bên cạnh đó, do người dân Trung Quốc đi theo chính quyền mới, nên Hội Tam Hoàng mất đi sự ủng hộ lớn lao cả về vật chất và tinh thần. Phần lớn thành viên của hội này không theo kịp xu thế phát triển mới của đất nước. Nhiều hội viên Hội Tam Hoàng trở nên suy sụp và manh động.

Không những thế, chính quyền cũng liên tục trấn áp nên các thành viên Hội Tam Hoàng cũng tìm cách di chuyển phần lớn sang Hồng Kông. Và từ đó, Hồng Kông trở thành căn cứ hoạt động mạnh nhất của tổ chức tội phạm này, với khoảng 50 băng đảng lớn nhỏ, có quy mô ít nhất là 80.000 thành viên. Số liệu thống kê cho thấy, trong những năm 50 của thế kỷ XX, có lúc Hội Tam Hoàng ở Hồng Kông có thành viên lên tới 300.000 người.

Các chuyên gia nghiên cứu thuộc trường Đại học Hồng Kông cho rằng, hầu hết các chi nhánh của Hội Tam Hoàng được thiết lập trong khoảng thời gian từ năm 1914 đến năm 1939 và đã có thời điểm hội này có tới 300 băng nhóm lớn nhỏ. Năm 1951, có 9 băng nhóm chính của Hội Tam Hoàng hoạt động ở Hồng Kông.

Hội Tam Hoàng ngày càng thâm nhập sâu vào các tầng lớp xã hội Hồng Kông và bắt đầu chuyển từ việc thu phí thành viên thành tống tiền. Dùng bạo lực để đe nạt người dân nộp tiền bảo vệ nhằm đầu tư vào kỹ viện và sòng bạc. Lúc này, chính quyền Hồng Kông bắt đầu nhận ra sự lũng đoạn của Hội Tam Hoàng và những ảnh hưởng tiêu cực vào đời sống xã hội, tuy nhiên không thể quét sạch được hang ổ của chúng vì lực lượng Cảnh sát Hồng Kông quá mỏng và tham nhũng tràn lan, thậm chí cảnh sát nhận tiền để bảo kê cho các băng nhóm Hội Tam Hoàng lộng hành. Ngược lại, Hội Tam Hoàng chi phối nhiều lĩnh vực của xã hội, tác động trực tiếp tới công việc mưu sinh của nhiều người dân nên họ không chủ động phối hợp với cảnh sát.

Năm 1955, Hawins, quan chức phòng Nội vụ người Hoa ở Hồng Kông viết trong tài liệu nội bộ: "Có thể nói, xã hội đen đã gây tổn hại lớn cho xã hội Hồng Kông. Hành vi tống tiền diễn ra khắp mọi nơi và ngày càng nhiều người dân trở thành mục tiêu tống tiền của họ. Ngoài kia còn rất nhiều người phải sống ngoài vòng pháp luật và họ chỉ có những điều kiện sống rất cơ bản nhưng rất khó để động viên họ tham gia chiến dịch bài xích Hội Tam Hoàng vì họ sợ".

Tuy nhiên, mọi sự nhân nhượng đều có giới hạn. Tháng 10-1956, tại Cửu Long (Kowloon) và một số khu vực khác xảy ra bạo loạn, một số thành viên của Hội Tam Hoàng cũng tham gia cướp tài sản của dân. Mặc dù nguyên nhân bạo động được giải thích là chính quyền Quốc dân đảng tại Đài Loan xúi giục, nhưng chính quyền Hồng Kông vẫn cho rằng Hội Tam Hoàng kích động dân chúng. Chính phủ Anh và chính quyền Hồng Kông xác định Hội Tam Hoàng là đối tượng uy hiếp đến trị an Hồng Kông. Vì vậy, một chiến dịch trấn áp Hội Tam Hoàng trên diện rộng được tiến hành.

Tuy nhiên, vấn nạn tham nhũng, bảo kê cho tội phạm trong lực lượng Cảnh sát Hồng Kông khi đó đã khiến cho chiến dịch truy quét Hội Tam Hoàng không đạt kết quả như mong đợi. Vì vậy, dù có thống kê cho rằng trong vòng 10 năm (1956-1966), hơn 10.000 thành viên Hội Tam Hoàng đã bị bắt, nhưng thực tế Hội Tam Hoàng vấn trở thành thế lực ngầm trong xã hội Hồng Kông.

Sau năm 1966, số lượng tội phạm liên quan đến Hội Tam Hoàng ngày càng tăng. Theo các dữ liệu tội phạm, hành vi phạm tội liên quan đến Hội Tam Hoàng tăng đột biến từ 110 vụ năm 1968 lên đến 4.089 vụ năm 1976, tăng 37 lần. Các tội phạm tống tiền cũng tăng 13,8 lần từ 344 đến 4.755 vụ.

Năm 1997, Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, Hội Tam Hoàng đã nhanh chân di chuyển địa bàn hoạt động sang Hoa Kỳ, Hà Lan… Ngày nay, Hội Tam Hoàng được biết tới như là một băng nhóm xã hội đen người Hoa hoạt động ở Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, Trung Quốc đại lục và những quốc gia có đông cộng đồng người Hoa sinh sống như Malaysia, Singapore, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Anh...

Tại Hồng Kông, những hoạt động phạm tội của Tam Hoàng (với ba băng nhóm Hòa Thắng Hòa, 14K, Tân Nghĩa An) với các hoạt động như rửa tiền, đánh bạc phi pháp, bảo kê nhà hàng khách sạn, bán thuốc lá lậu, sao chép các phần mềm lậu… đã ảnh hưởng đến trật tự trị an.

Quách Vĩnh Hồng (ngồi giữa), một trùm hội Tam Hoàng bị bắt ngày 21-7-2016 khi vừa xuống sân bay Hồng Kông.

Cuộc chiến với Hội Tam Hoàng của Cảnh sát Hồng Kông

Từ nhiều năm nay, Cảnh sát Hồng Kông luôn coi trấn áp các băng nhóm Hội Tam Hoàng là công việc thường xuyên khi đã thành lập một đơn vị chuyên trách gọi là Cục Tội phạm có tổ chức và Tam Hoàng để đấu tranh với tổ chức tội phạm này.

Tháng 8- 2013, Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ hơn 1.800 nghi can trong chiến dịch truy quét nhóm tội phạm khét tiếng Hội Tam Hoàng chuyên tổ chức cờ bạc trái phép, rửa tiền và buôn bán ma túy. Trong chiến dịch kéo dài 1 tháng từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8- 2013, Cảnh sát Hồng Kông, Macau và Cảnh sát tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã triệt phá khoảng 2.600 địa điểm bao gồm các vũ trường, cơ sở matxa và hộp đêm.

Cảnh sát đã tịch thu các chất kích thích như cocaine, katamine và các mặt hàng bất hợp pháp khác với tổng trị giá lên đến 40 triệu đôla Hồng Kông (khoảng 5,16 triệu USD). Số nghi can bị bắt gồm 987 đàn ông và 826 phụ nữ trong độ tuổi 12-95. Trong tổng số này có gần 500 người bị bắt từ Trung Quốc.

Cục trưởng Cục Tội phạm có tổ chức và Tam Hoàng tuyên bố Cảnh sát Hồng Kông sẽ chiến đấu "chống lại các cá nhân Hội Tam Hoàng và các hoạt động phạm pháp của họ" bằng cách "tịch thu sung công tiền của trong các chiến dịch bố ráp thông qua các nguồn thông tin tình báo cũng như các hoạt động điều tra".

Ngày 21-7-2016, Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ Quách Vĩnh Hồng, ông trùm của băng nhóm xã hội đen Hòa Thắng Hòa tại sân bay quốc tế Hồng Kông khi y bay từ Phuket, Thái Lan về.

Là trùm giang hồ nhưng Quách Vĩnh Hồng có vỏ bọc là một doanh nhân. Năm 2012, Quách Vĩnh Hồng được cảnh sát chú ý khi hắn tham dự một bữa ăn tối cùng Lương Chấn Anh, người sau này thành trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông. Báo chí Hồng Kông đặt nghi vấn về mối quan hệ mờ ám giữa ông Lương Chấn Anh và trùm xã hội đen. Sau một thời gian dài điều tra, Cảnh sát Hồng Kông mới quyết định bắt Quách Vĩnh Hồng về hành vi đe dọa giết người, âm mưu tấn công và gửi thư nặc danh.

Mới đây nhất, vào tháng 3- 2019, Cảnh sát Hồng Kông lại mở một chiến dịch quy mô lớn nhằm bắt giữ thủ lĩnh của băng nhóm Tam Hoàng Sun Yee On (Tân Nghĩa An) ở khu Tsim Sha Tsui sau khi nhóm này gần đây đã gây ra một loạt những vụ tấn công trả thù đẫm máu nhằm vào băng đối thủ Wo Shing Wo (Hòa Thắng Hòa). Trước làn sóng các vụ tấn công trả đũa lẫn nhau xảy ra liên tiếp giữa Sun Yee On và Wo Shing Wo, Cảnh sát Hồng Kông phải mở một chiến dịch chống Tam Hoàng quy mô lớn có mật danh Levington.

Mặc dù liên tục mở các chiến dịch trấn áp và truy quét Hội Tam Hoàng, nhưng với số lượng thành viên rất lớn vì vậy cuộc chiến chống Hội Tam Hoàng của Cảnh sát Hồng Kông sẽ còn là cuộc chiến chưa có hồi kết.

Minh Khuê (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/hoi-tam-hoang-bang-dang-toi-pham-de-doa-tri-an-hong-kong-555604/