Hội thảo Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành VHTTDL đến năm 2030

Sáng ngày 28/10, tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã diễn ra Hội thảo khoa học Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành VHTTDL đến năm 2030.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thế Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; ông Đặng Hà Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT; bà Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện VHNTQG Việt Nam; ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch... cùng đại diện các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL.

Dự thảo Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030 gồm 2 phần chính: Quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và tổ chức chức hiện.

Dự thảo xác định mục tiêu đến năm 2030, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) thực sự trở thành động lực, góp phần quan trọng trong phát triển toàn diện ngành văn hóa, thể thao và du lịch gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước, tạo điều kiện sáng tạo, nâng cao năng suất lao động dựa vào hoạt động ứng dụng công nghệ; gắn nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH,CN&ĐMST với đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhằm phục vụ các mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia về phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 và các chiến lược phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Quang cảnh Hội thảo

Trong đó, định hướng nhiệm vụ phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 gồm: Tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động KH,CN&ĐMST ngành văn hóa,thể thao và du lịch; Nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ; Định hướng nghiên cứu khoa học; Định hướng ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; Xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; Đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.

Trong quá trình triển khai, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đã nhận được ý kiến của 63 Sở, ý kiến của 15 Bộ, cơ quan ngang Bộ. Trên cơ sở đó, Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập hoàn thiện nội dung Dự thảo 3. Sau Hội thảo này, Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện và xin ý kiến 1 số đơn vị trước khi trình Lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành.

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa được hình thành từ việc liên kết dữ liệu di sản số của các địa phương vào hệ thống phần mềm thông tin quản lý về bảo tàng, hiện vật, di tích, di sản văn hóa phi vật trên phạm vi toàn quốc.

Với ngành du lịch, trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, việc phát triển du lịch thông minh sẽ tiếp tục được hoàn thiện; công nghệ có khả năng hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và năng suất lao động và đang góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng bá nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Theo ông Phạm Văn Thủy – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, với công tác Chuyển đổi số, khách du lịch chỉ cần đến bấm nút là tìm được các di sản văn hóa trên khắp đất nước khi các nhà quản lý số hóa việc kiểm đếm bằng giấy tờ sang một cơ sở dữ liệu lớn (Big Data).

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – Đặng Hà Việt phát biểu tại buổi Hội thảo

Với ngành thể thao, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo huấn luyện VĐV sẽ giúp ngành đạt được những thành tích vượt trội. Quá trình chuyển đối số cũng tạo điều kiện tốt trong công tác quản lý điều hành, số hóa các dữ liệu về thành tích thi đấu của các VĐV. Từ đó, các cơ quan quản lý sẽ thuận lợi trong công tác thống kê và đánh giá.

Đánh giá về công tác chuyển đổi số, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – Đặng Hà Việt cho rằng, xây dựng và phát triển TDTT Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với tốc độ phát triển nhanh chóng và sự tác động mạnh mẽ, trái chiều nhau giữa tích cực và tiêu cực từ công nghệ.

"Vấn đề đặt ra là phải biết tận dụng cơ hội, vượt qua nguy cơ, thách thức ngay từ lựa chọn cách thức, con đường phát triển TDTT Việt Nam. Trước tác động của công nghệ, TDTT Việt Nam phải có tính chủ động cao, định hướng sớm và khoa học thì mới có những bước đi vững chắc trong thực tiễn" - ông Đặng Hà Việt nói.

Theo ông Đặng Hà Việt, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của khoa học công nghệ nhằm cải thiện thành tích bằng cách số hóa các bài tập, phương tiện huấn luyện trong kế hoạch huấn luyện vận động viên; Số hóa kỹ thuật, chiến thuật các môn thể thao; Công nghệ số hóa; nâng cấp Hệ thống thiết bị kiểm tra đánh giá trình độ tập luyện của vận động viên về mặt sư phạm (đo lường các test thể lực, kỹ-chiến thuật...); Hệ thống Camera ghi hình và tự động hóa phân tích quá trình thi đấu của vận động viên. v.v..

Phát biểu kết luận tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thế Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh về tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đồng thời bày tỏ mong muốn các nhà nghiên cứu của Bộ cần biến nhận thức thành những hành động cụ thể.

"Sau khi chiến lược được ban hành, các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược này. Trong nhiệm vụ công tác hàng năm cần cụ thể hóa việc nghiên cứu cái gì, xây dựng tiêu chuẩn gì, ứng dụng công nghệ gì…bởi Chiến lược lần này còn gắn với nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như chiến lược văn hóa, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, văn hóa đối ngoại…" - ông Nguyễn Thế Hùng đề nghị.

Bạch Dương

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/hoi-thao-chien-luoc-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-nganh-vhttdl-den-nam-2030-20221028153556215.htm