Hội thảo chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS

Sáng 25-6, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNAIDS) đã khai mạc Hội thảo việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS nhằm đưa ra những ý kiến đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Dự hội thảo có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế, đại diện Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam và các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phát biểu khai mạc và nêu một số nội dung đề dẫn hội thảo. Các đại biểu tập trung đóng góp những ý kiến vào nội dung liên quan đến người nghiện ma túy trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng miễn giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Ông Cao Văn Thành, Phó cục trưởng phụ trách Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Cả nước hiện có 102 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó 97 cơ sở cai nghiện công lập và 15 cơ sở ngoài công lập, công suất thiết kế cho hơn 50.000 người cai nghiện. Hiện tại, tổng số học viên được quản lý tại các cơ sở cai nghiện là 34.982 người, trong đó 27.124 người theo quyết định của Tòa án. Trung tá Hoàng Văn Hiều, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an phát biểu: Cần bổ sung quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; bỏ hình thức quản lý sau cai nghiện, hình thức này hạn chế quyền tự do cư trú, đi lại của người nghiện, không phù hợp với Hiến pháp 2013 về quyền con người.

Bà Marie Odile Emond, Giám đốc quốc gia Cơ quan phòng, chống AIDS của Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam đã tích cực tham gia và triển khai thực tế một số chính sách pháp luật, tiêu chuẩn pháp lý quốc tế liên quan đến ma túy. Liên hợp quốc đưa ra một số khuyến nghị về thuật ngữ pháp lý đối với Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, trong đó không dùng hoặc thay thế thuật ngữ “tệ nạn ma túy” bằng “tác hại do sử dụng ma túy”; thay “nghiện ma túy” bằng “rối loạn do sử dụng ma túy”, nhằm hạn chế hàm ý kỳ thị và mang tính toàn diện có nội dung chính xác hơn. Liên hợp quốc cũng tái khẳng định sự cần thiết áp dụng mô hình đa dạng điều trị rối loạn do sử dụng ma túy, trong đó điều trị, chăm sóc, hỗ trợ tại cộng đồng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Các tham luận dự hội thảo đều đã nêu tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống HIV/AIDS tại một số địa phương; các kiến nghị chính sách từ góc nhìn của các địa phương. Một số đại biểu cho rằng mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng mang tính hiệu quả hơn, cần đầu tư nhân lực, tài chính. Cai nghiện bắt buộc phải tuân theo quy trình ưu tiên cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; ưu tiên xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; ưu tiên các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Tin, ảnh: HUY VÕ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/hoi-thao-chinh-sach-phap-luat-ve-cai-nghien-ma-tuy-va-phong-chong-hiv-aids-624278