Hội thảo giới thiệu Chỉ số Kinh doanh liêm chính Việt Nam: Tham nhũng vẫn xảy ra ở một số lĩnh vực

Chỉ số Kinh doanh liêm chính Việt Nam được đánh giá là một công cụ đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần thiết xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính

Chiều 21/9, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức Hội thảo công bố Chỉ số Kinh doanh liêm chính tại Việt Nam (VBII).

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức hội thảo công bố Chỉ số kinh doanh liêm chính tại Việt Nam (VBII)

Chỉ số được xây dựng dựa trên 7 yếu tố cần thiết để xây dựng và vận hành một doanh nghiệp dựa trên tính liêm chính, bao gồm: Văn hóa; quy tắc ứng xử; kiểm soát; giao tiếp; ứng xử; tuân thủ và chứng nhận đạt chuẩn.

Chỉ số Kinh doanh liêm chính được khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc mọi quy mô, hình thức sở hữu, lĩnh vực và cơ cấu, công ty niêm yết, công ty tư nhân trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hay công ty có vốn nhà nước. Hay nói một cách khác, bất kỳ doanh nghiệp nào quan tâm đến kinh doanh liêm chính và coi tính liêm chính trong kinh doanh là nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của doanh nghiệp đều có thể sử dụng chỉ số này.

Theo thông tin từ hội thảo, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thăng hạng trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tăng 26 bậc trên toàn cầu (từ vị trí 113 năm 2017 lên vị trí 87 năm 2021). Theo Chỉ số Pháp quyền của Dự án Tư pháp Thế giới, Việt Nam là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN khi tăng thứ hạng lên vị trí 88.

Tuy nhiên, thực trạng cũng chỉ ra rằng, tham nhũng vẫn dễ dàng xảy ra ở một số lĩnh vực nhất định. Một báo cáo khảo sát doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố vào tháng 6/2022 cho thấy, ít nhất 1 trong 3 doanh nghiệp tham gia mua sắm công ghi nhận các khoản thanh toán không chính thức nhằm giành được hợp đồng Chính phủ.

“Điều đáng lo ngại hơn nữa là, văn hóa "hoa hồng" hoặc các khoản thanh toán không chính thức đã thành quen thuộc đến mức các doanh nghiệp sẵn sàng trả ngay cả khi không ai yêu cầu” - ông Patrick Haverman – Phó đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định.

Kinh doanh thiếu minh bạch cũng khiến doanh nghiệp đối mặt với những rủi ro khi khoản tiền đầu tư phải dành cho các hoạt động khác ngoài kinh doanh, dẫn đến tốn lém chi phí và hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đó, Chỉ số Kinh doanh liêm chính Viêt Nam là một công cụ quan trọng, nếu được các doanh nghiệp sử dụng dụng một cách trung thực và minh bạch sẽ góp phần nâng cao vị thế thương hiệu của đất nước và tạo dựng niềm tin dựa trên dữ liệu và thông tin, thu hút đầu tư, tạo ra của cải và cải thiện cuộc sống cho người dân. Với doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính cũng giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh và mang lại hiệu quả bền vững.

Đề cao tính liêm chính trong kinh doanh là yêu cầu cần thiết đối với doanh nghiệp hiện nay

Xây dựng liêm chính trong kinh doanh đòi hỏi sự tiếp cận toàn diện

Tuy nhiên, theo ông Patrick Haverman, chúng ta không thể thúc đẩy sự liêm chính trong kinh doanh một cách đơn độc. Nó là một phần không thể thiếu của hành vi kinh doanh có trách nhiệm. Do đó, sự liêm chính trong kinh doanh đòi hỏi môt cách tiếp cận toàn diện. Để tạo ra sự liêm chính, môi trường làm việc, người lao động, chuỗi cung ứng, các cơ quan Chính phủ, người tiêu dùng, cộng đồng với tư cách là các bên liên quan phải được tôn trọng. Các doanh nghiệp cần phải đạt được lợi nhuận bằng cách cải thiện môi trường hoạt động và đáp ứng các kỳ vọng tối thiểu của các bên liên quan.

Đồng ý với quan điểm cho rằng Chỉ số Kinh doanh liêm chính là công cụ quan trọng, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Phát triển bền vững không còn là sự lựa chọn giữa “có” và “không”, mà đã trở thành sự sống còn, là cách duy nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong hiện tại và tương lai.

Theo đó, Chỉ số Kinh doanh liêm chính có thể coi là bước tiến mới để đưa doanh nghiệp Việt Nam tiệm cận gần hơn với tiêu chuẩn kinh doanh minh bạch, liêm chính của quốc tế, cũng như giúp doanh nghiệp Việt Nam không còn mơ hồ, lúng túng trong việc lồng ghép tính liêm chính vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách về công bố, minh bạch và liêm chính của doanh nghiệp có tác động trực tiếp đến mức độ liêm chính của doanh nghiệp trên thị trường. Trên thực tế, các doanh nghiệp ngày càng nhận ra giá trị và lợi ích của sự liêm chính trong kinh doanh. Kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp đã đặt tính liêm chính trong kinh doanh lên hàng đầu cho thấy, họ được hưởng lợi từ sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà đầu tư, nhà cung cấp, người mua hàng. Và đây là một lợi thế đã được chứng minh rõ ràng cho những công ty muốn tiếp cận thị trường quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, để thúc đẩy sự liêm chính trong kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, ông Lan Lydall – Chuyên gia tư vấn chiến lược ICAEW, cực Chủ tịch PwC – Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam – cho rằng: Các cơ quan Chính chủ ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ của mình cần tâp trung vào việc phòng, chống tham nhũng, chống gian dối kinh doanh, gian dối trong hoạt động tài chính.

"Cùng với đó, trừng phạt tất cả những hành vi vi phạm pháp luât, để làm được điều đó, các cơ quan quản lý cũng cần hành động công bằng với tất cả doanh nghiệp, báo cáo những sai phạm của doanh nghiệp cho người tiêu dùng" - ông Lan Lydall khẳng định.

Đặc biệt, để thúc đẩy liêm chính trong hoạt động kinh doanh, tiến tới xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, đề cao tính giải trính, ông Lan Lydall cho rằng: Bản thân những người đứng đầu doanh nghiệp cũng cần chấp nhận việc kinh doanh liêm chính và tuân thủ pháp luật. Coi đó là giá trị cốt lõi trong hoạt động của doanh nghiệp, đây cũng là thách thức mà bản thân mỗi doanh nghiệp phải vượt qua.

Đề cao tính liêm chính trong kinh doanh và coi đó là yêu cầu cần thiết đối với Việt Nam hiện nay, ông Marcus Winsley – Phó Đại sứ Vương Quốc Anh tại Hà Nội cho rằng: Mối quan hệ giữa Vương Quốc Anh và Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sẽ đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới. Đồng thời khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng và thực hiện cam kết hướng tới một môi trường kinh doanh công bằng, cải cách kinh tế hiệu quả cũng như những bước tiến quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm: Biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đổi mới”.

Chỉ số Kinh doanh liêm chính Việt Nam được xây dựng dưới sự hỗ trợ của dự án FairBiz - một sáng kiến cấp khu vực của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc do Chính phủ Vương Quốc Anh tài trợ, trong khuôn khổ Chương trình cải cách Kinh tế ASEAN, nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng ở 6 quốc gia ASEAN, bao gồm: Indonesia, Malaysia, Myanmarm Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-thao-gioi-thieu-chi-so-kinh-doanh-liem-chinh-viet-nam-tham-nhung-van-xay-ra-o-mot-so-linh-vuc-220714.html