Hội thảo khoa học quốc tế về: 'Mô hình phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước'

Với mục tiêu phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, các báo cáo trong Hội thảo đều nêu ra những điều kiện tự nhiên, yếu tố môi trường thuận lợi, các căn cứ về chính sách vĩ mô, những kinh nghiệm thực tiễn khi nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió đã hoạt động tại Ninh Thuận, những đề xuất mới có tính khả thi…

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Ngày 15 tháng 11 năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế: “Mô hình phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước: các tiêu chí đành giá và giải pháp thực hiện”.

Đông đảo đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, các tập đoàn đầu tư về về năng lượng tái tạo của Việt Nam và các nước Mỹ, Italy, Úc… đã đến Ninh Thuận tham dự. Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Tại phiên khai mạc, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018, Chính phủ ban hành về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023, trong đó mấu chốt là chấp thuận đầu tư tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 18 Dự án hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành với tổng công suất 1.180 MW (gồm 15 Dự án điện mặt trời công suất 1.063 MW; 03 Dự án điện gió công suất 117 MW). Dự kiến cuối năm 2019 có 04 Dự án mặt trời công suất 140 MW, và năm 2020 có 12 Dự án công suất 614 MW tiếp tục đưa vào vận hành thương mại sẽ góp phần quan trọng giải quyết sự thiếu hụt về nguồn năng lượng ở nước ta.

Với mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, các báo cáo khoa học của các nhà khoa học Việt Nam và Quốc tế đã trình bày những mô hình trung tâm năng lượng nhiều nơi trên thế giới như ở Hawaii, Italy, Úc…, từ đó xây dựng các căn cứ khoa học để phác thảo mô hình tại Ninh Thuận. Đáng chú ý các báo cáo đều nêu ra những điều kiện tự nhiên, yếu tố môi trường thuận lợi, các căn cứ về chính sách vĩ mô, những kinh nghiệm thực tiễn khi nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió đã hoạt động tại Ninh Thuận, những đề xuất mới có tính khả thi… Báo cáo khoa học của Tiến sĩ Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng Việt Nam và nhóm cộng tác đã phác thảo mô hình cụ thể phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, trong đó đề xuất quy trình xây dựng theo 5 bước cụ thể, đã được các đại biểu Hội thảo quan tâm…

Ban Tổ chức đã dành thời gian để các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề thiết thực, kiến nghị nhiều giải pháp thực hiện và phát các phiếu tham vấn ý kiến đại biểu về mô hình, bộ tiêu chí đánh giá sát sườn với thực tế địa phương tỉnh.

Đinh Hy

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-ve-mo-hinh-phat-trien-ninh-thuan-tro-thanh-trung-tam-nang-luong-tai-tao-cua-ca-nuoc-d111275.html