Hội thảo khoa học 'Thơ Lục Bát với Di sản Văn hóa dân tộc'

Ngày 4/9/ 2019 trong khuôn khổ Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019, sẽ diễn ra Hội thảo khoa học 'Thơ Lục bát với Di sản Văn hóa dân tộc'.

Hội thảo do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Website Lục Bát Việt Nam; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Ngày hội Lục bát Kỷ Hợi – 2019 với dự tham gia của đại diện gần 30 Câu lạc Thơ Lục Bát đến từ khắp mọi miền đất nước: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Gia Lai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên… không chỉ có các nghi thức đặc trưng được duy trì đã 11 năm liên tục: Sắp đặt các Lục bát quán, Lễ rước thơ, Lễ Phát lộc thơ Lục bát… mà còn có nhiều nội dung mới.

Ban tổ chức cho biết, Hội thảo đã thu hút hơn 40 bài viết và ý kiến tham luận của hơn 40 Tác giả là những Nhà nghiên cứu, Nhà thơ có uy tín về thể loại Lục bát, nhiều người hiện đang làm việc và sinh sống tại nước ngoài. Có thể kể đến tên một vài tham luận như: Đi tìm nguồn gốc của thể thơ Lục Bát Việt Nam; Phát hiện lại "Việt nhân ca" từ cổ ngữ và thơ Lục bát; Biến tấu hay khả năng tạo sinh của nhạc điệu thơ Lục bát từ nền tảng của ca dao; Lục bát lưu giữ và chuyển tải kho tàng kinh nghiệm sống từ hàng ngàn đời; Lục bát là một cõi trời mênh mông nơi thể hiện bản lĩnh của nhà thơ Việt; Thơ Lục bát và vấn đề Nhịp điệu Thơ; Câu Lục phá cách trong Truyện Kiều; Bàn về Lục bát và ca khúc Việt Nam…

Có thể nói, mỗi nhà nghiên cứu đã tiếp cận một góc độ khác nhau, bằng nhiều cứ liệu lịch sử, xã hội và dẫn chứng thuyết phục, để cho thấy giá trị và vị thế của thơ Lục bát trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

Lục Bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam, mà còn là hồn quê, là văn hóa cội nguồn và tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau, nên dù có làm ăn sinh sống ở đâu, người Việt cũng yêu thơ Lục bát. Đã là người Việt Nam, thì không ai là không thuộc một đôi câu dân ca, ca dao bằng thơ Lục bát. Và dù sinh sống ở đâu trên thế giới, thì từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam đều có những lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ, đều có những câu ca dao đằm thắm bay lên từ nắng gió đồng quê; đó là hành trang theo ta đi suốt cuộc đời, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình và nguồn cội dân tộc.

Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du là một tác phẩm thơ Lục bát điển hình, là niềm tự hào của người Việt Nam với thế giới. Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Quỳnh - Chủ bút tạp chí Nam Phong đầu thế kỷ 20 – đã có một câu nói để đời: "Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn". Như vậy có thể thấy vai trò và vị trí của thơ Lục bát quan trọng như thế nào.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Thơ Lục bát - Sáu tám không chỉ có trong 3254 câu trong kiệt tác "Truyện Kiều"; trong "Tống Trân Cúc Hoa"; trong "Phạm Tải Ngọc Hoa"; trong "Thạch Sanh"; trong "Hoàng Trìu"… Hàng ngàn câu, hàng trăm nhân vật, cảnh ngộ, nỗi niềm… mà chỉ cần "Sáu tám" là gánh chịu được hết! Có thể nói 14 chữ cộng lại trong 2 câu 6/8 là 14 phép thần thông biến hóa. Có thể thơ nào, có phép vận trù nào huyền ảo, phong phú như thế.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hoi-thao-khoa-hoc-tho-luc-bat-voi-di-san-van-hoa-dan-toc-20190831085900593.htm