Hội thảo khoa học xây dựng Đề án 'Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát'

Sáng 5/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học tư vấn, phản biện dự thảo Đề án 'Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát' (xã Yên Thành, Yên Mô).

Các đại biểu dự hội thảo.

Dự hội thảo có các thành viên Hội đồng tư vấn phản biện; lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo huyện Yên Mô và xã Yên Thành.

Di tích khảo cổ học Mán Bạc là một trong những di tích có giá trị lịch sử - văn hóa quan trọng. Di tích Mán Bạc nằm ở làng Bồ Bát xưa, nay là thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô.

Di tích đã được các nhà khoa học trong nước và quốc tế khai quật 5 lần vào các năm 1999, 2001, 2004 - 2005, 2005 và năm 2007. Kết quả khai quật cho thấy di tích chứa đựng khối lượng tư liệu đồ sộ về đồ đá, đồ gốm, di tích động, thực vật, đặc biệt là di tích mộ táng thuộc giai đoạn văn hóa cuối Phùng Nguyên, đầu Đồng Đậu, có niên đại gần 4.000 năm cách ngày nay.

Đây là những bằng chứng khoa học lịch sử quan trọng để phác thảo về diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân Mán Bạc nói riêng, người Việt cổ nói chung thời kỳ tiền Đông Sơn.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu khảo cổ học được công bố tại hồ sơ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An và các nghiên cứu gần đây ghi nhận Ninh Bình là nơi phát hiện được những mảnh gốm thời tiền sử cách ngày nay khoảng 8.000 - 9.000 năm, là những mảnh gốm có niên đại sớm nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, mang nhiều tiềm năng phát huy giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát đã được tỉnh Ninh Bình và cộng đồng dân cư quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát còn một số hạn chế như: Khu vực di tích Mán Bạc chưa được mở rộng nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị; Công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của nhân dân và du khách về giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc và trách nhiệm bảo tồn di sản Mán Bạc chưa được quan tâm đúng mức; Nghề gốm Bồ Bát sau thời gian dài thất truyền, những bí quyết nghề nghiệp đã mai một, việc khôi phục nghề gốm Bồ Bát trong những năm qua mới dừng ở quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm còn đơn điệu, khó tạo nên thương hiệu bền vững trên thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn khiêm tốn.

Tại hội thảo, các nhà khoa học và các đại biểu đã tập trung phản biện một số vấn đề như: cần phải có quy hoạch về khảo cổ học Mán Bạc; xây dựng điểm trưng bày các di tích được khai quật; mô phỏng một số hoạt động của cư dân tiền sử Mán Bạc nhằm phục dựng lại nghề gốm cổ Bồ Bát để đưa nơi đây trở thành điểm du lịch thu hút du khách tham quan và nghiên cứu giá trị khảo cổ học.

Đây là cơ sở quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Yên Mô, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sạch.

Việc khôi phục làng nghề sản xuất gốm sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng, tăng thu nhập của người dân.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm cổ Bồ Bát" là nhiệm vụ cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong khai thác hiệu quả các giá trị lịch sử - văn hóa vùng đất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, thúc đẩy phát triển vùng phía Tây - Nam của tỉnh Ninh Bình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.

Tiến Đạt - Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-khoa-hoc-xay-dung-de-an-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri/d2023100514090615.htm