Hội thảo 'Nghề gốm cổ Ninh Bình- Truyền thống và hiện đại'

Ngày 20/4, tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo 'Nghề gốm cổ Ninh Bình- Truyền thống và hiện đại'.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Dự hội thảo, đại biểu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Cùng dự hội thảo có PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại Học Quốc gia Hà Nội); đại diện Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Viện Khảo cổ học; Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Hội đồng hương tỉnh Ninh Bình tại Hà Nội; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, huyện Yên Mô, Nho Quan và các nhà khoa học, nghiên cứu, chuyên gia đến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước...

Hội thảo đã tiếp nhận 33 báo cáo tham luận, trong đó có 29 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Trung ương, 4 tham luận của các tác giả địa phương, đã có 12 tham luận trình bày tại hội thảo và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận vào hai nội dung chính là Di sản nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử và nghề gốm Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy giá trị.

Các đại biểu tham luận tại hội thảo.

Trong đó, nhiều ý kiến đã cung cấp những thông tin tư liệu khai quật mới nhất tại các di tích tiền sử; đồng thời làm sáng tỏ vai trò của một trung tâm gốm đỉnh cao của thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam.

Các đại biểu cũng làm rõ về vật liệu kiến trúc bằng gốm thời Đinh - Tiền Lê nhất là loại gạch in chữ: Đại Việt quốc quân thành chuyên, gợi mở một quan điểm mới về niên đại khởi đầu của đất nước, xác minh cho tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường rất cao và khả năng sáng tạo mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng đất nước của vương triều Đinh - Tiền Lê.

Hội thảo cũng tập trung nghiên cứu quá trình hồi phục sản xuất đồ gốm ở làng gốm Bồ Bát, gốm Gia Thủy. Với cách kiến giải riêng của mình, các đại biểu đã cùng góp phần xác định giá trị, quan sát thực tiễn và xây dựng mô hình nhằm tham vấn cho tỉnh Ninh Bình đưa nghề gốm cổ dần bước vào quỹ đạo phát triển kinh tế, văn hóa hiện nay.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn nhấn mạnh: Ninh Bình là vùng đất linh thiêng, đầy huyền tích, huyền sử, có bề dày lịch sử nghìn năm, kết tinh thành văn hóa đặc trưng của quê hương Cố đô, tạo nên những con người có tính cách hiền hòa, thanh lịch, thân thiện, đam mê nghiên cứu và sáng tạo không ngừng. Đây là nền tảng, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng để tạo nên những bước phát triển kinh tế- xã hội mạnh mẽ của tỉnh trong thời gian qua.

Ninh Bình cũng luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực chăm lo cho văn hóa, đặc biệt là công tác khảo cổ học để làm rõ hơn vị thế và dấu ấn của kinh đô Hoa Lư trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đồng thời làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư xứng tầm với vai trò lịch sử của nó.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Qua hội thảo, lãnh đạo tỉnh ghi nhận những ý kiến tâm huyết, chuyên sâu của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, Ban liên lạc đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội. Những ý kiến tại hội thảo là cơ sở quan trọng để tỉnh xây dựng, hoạch định các chính sách phát triển nghề gốm, khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương.

Hội thảo chính là điểm nhấn để thực hiện hiệu quả Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư" giai đoạn 2021 - 2030, phù hợp với quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050.

Thời gian tới tỉnh, giao Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu xây dựng khu Di chỉ khảo cổ học Mán Bạc, Đền thờ tổ nghề gốm tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô trở thành điểm đến du lịch; tiếp tục có chính sách quan tâm phát triển nghề gốm Bồ Bát, tạo ra sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa của Ninh Bình; hướng tới xây dựng Bảo tàng gốm Bồ Bát, tạo thành quần thể văn hóa di sản vừa bảo tồn nghề gốm cổ vừa phục vụ phát triển du lịch bền vững, gia tăng giá trị cho nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Mai Phương - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-nghe-gom-co-ninh-binh-truyen-thong-va-hien-dai-/d2023042016012301.htm