Hội thảo phiên chuyên đề: Nhận thức chung, thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương

Sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của các đồng chí đồng chủ trì Hội thảo: PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội thảo tiến hành phiên chuyên đề: Nhận thức chung, thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương.

Đồng chí Đoàn Mình Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đồng chủ trì thảo luận phiên chuyên đề.

Đồng chí Đoàn Mình Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đồng chủ trì thảo luận phiên chuyên đề.

Báo cáo trung tâm do đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình trình bày đã nêu rõ: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương, tỉnh Ninh Bình đang từng bước thực hiện một số giải pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội, bước đầu đã có những kết quả nhất định.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình trình bày Báo cáo trung tâm.

Định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới được xác định là "Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa-lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nguồn lực và động lực phát triển", hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với tiêu chí là đô thị di sản thiên nhiên kỷ.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp được xác định là động lực, là nền tảng phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, tạo nền tảng khai thác có hiệu quả và bảo vệ giá trị văn hóa, lịch sử Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Theo đó, 3 khát vọng, mục tiêu tổng quát của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định như sau: là một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của vùng Đồng bằng sông Hồng; là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia, đẳng cấp quốc tế; là miền đất đáng sống, an toàn và thân thiện.

Để đạt được mục tiêu đó, Ninh Bình đã và đang đề xuất, tổ chức thực hiện một số giải pháp như: Xác định rõ vấn đề và đổi mới cách tư duy về phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Thường xuyên đổi mới cách thức và phương pháp tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và thu hút các nhà đầu tư; Đẩy mạnh xây dựng đô thị di sản gắn với đô thị 4.0, để Ninh Bình là một trong những cửa ngõ, là trung kết nối với thế giới; tạo môi trường sống lý tưởng của các thương nhân và gia đình họ từ khắp nơi trên thế giới; phát triển bền vững với sự hỗ trợ của công nghệ gắn với kinh tế tuần hoàn; cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị hiện đại; Xây dựng môi trường để thử nghiệm những ý tưởng mới, sáng tạo, gắn với những xu hướng mới như: công nghệ block chain, kinh tế tri thức, kinh tế số, và kinh tế tuần hoàn; Xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của địa phương, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường; được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến tiêu dùng.

Đồng thời, phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Ninh Bình, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Với quan điểm chọn việc, làm điểm, phải tạo dựng được một số sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực để định danh, phát triển, đóng góp vào tăng trưởng và tăng thu ngân sách của địa phương.

Trên quan điểm về huy động tổng thể các nguồn lực, không chỉ ở góc độ nguồn lực về tài chính, tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh đổi mới phương thức huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trọng tâm là: Tăng cường sự bền vững nguồn lực cho ngân sách Nhà nước cả về quy mô và cơ cấu thông qua việc tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các giải pháp tổng thể về thuế, phí theo quy định; Tăng cường hiệu quả việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính công; bảo đảm "đầu tư công dẫn dắt đầu tư", "đầu tư công lôi kéo đầu tư xã hội", hướng nguồn lực công đến các địa chỉ mà khu vực tư nhân không thể tham gia hoặc đồng thời góp phần hình thành các nền tảng "kích thích" sự tham gia của khu vực tư nhân qua các cơ chế tạo động lực, hỗ trợ phù hợp; phân bổ theo hướng vận dụng nguyên tắc cạnh tranh, tăng cường tính tập trung, tập trung vào những lĩnh vực tạo ra các giá trị kinh tế gắn với việc làm và nguồn thu ngân sách của tỉnh; Đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực và đẩy mạnh phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, theo định hướng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tạo thêm dư địa cho lĩnh vực thu ngân sách Nhà nước.

TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham luận tại Hội thảo.

TS. KTS. Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu một số gợi ý cho phát triển thành phố Ninh Bình trong tương lai như việc chọn định hướng - con đường nào cho xây dựng thành phố Ninh Bình. Những cơ sở để chọn con đường đó cho thành phố Ninh Bình. Nên làm gì để trở thành đô thị như vậy. Trong đó, nên chọn cho tương lai thành phố Ninh Bình là đô thị di sản-du lịch và phong cảnh. Nếu chỉ gọi là đô thị di sản là không đủ cho dư địa phát triển. định hướng đô thị di sản-du lịch và phong cảnh là đặt thành phố Ninh Bình vào sự phát huy tài nguyên và thế mạnh tiềm tàng đang nổi trội, đặc biệt, làm cho Ninh Bình trở thành một thành phố độc nhất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ theo hình thái này. Còn nếu hướng tới một đô thị phát triển toàn diện theo các tiêu chí đang đặt ra hiện nay thì Ninh Bình khó có thể cạnh tranh được với Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long. Xây dựng Quy chế đặc biệt cho việc cải tạo, phong cảnh hóa thành phố hiện hữu; xây dựng Quy hoạch chung cho thành phố Hoa Lư, lấy yếu tố tài nguyên thiên nhiên sinh thái làm chủ đạo…

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tham luận tại Hội thảo.

Tham luận của PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia với nội dung "Di sản văn hóa - "Nguồn vốn" cho phát triển kinh tế-xã hội đã nêu quan điểm: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định rất rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Theo tinh thần chủ đạo của các định hướng lớn đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phải đổi mới tư duy, nhận thức và hành động thực tế hướng tới bảo tồn bền vững di sản văn hóa, tạo động lực mới phục vụ các mục tiêu phát triển của đất nước, trong đó có mục tiêu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện. Do đó, bảo tồn bền vững di sản văn hóa, tạo động lực mới phục vụ cho các mục tiêu phát triển đất nước.

PGS.TS Phạm Hồng Tung, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS Phạm Hồng Tung, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham luận "Về vấn đề then chốt trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì hạnh phúc cộng đồng: Xác định chủ nhân của di sản". Trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản vì phúc lợi văn hóa của nhân dân theo đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền và năng lực hưởng thụ văn hóa và phúc lợi văn hóa.

GS.TS Đinh Xuân Dũng, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tham luận tại Hội thảo.

GS.TS Đinh Xuân Dũng, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tham luận về "Quan hệ giữa các chủ thể trong quá trình phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từ thực tiễn vùng và địa phương" nêu rõ: Bài học lớn ở đây là phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa gắn với một mục tiêu góp phần phát triển kinh tế-xã hội là đúng và cần thiết nhưng đó không phải là mục tiêu duy nhất. Có những di sản văn hóa-lịch sử khi được phục dựng, bảo tồn, phát huy không thể sinh lãi ngay về kinh tế nhưng "cái được" lớn nhất là "vốn con người"- là tình yêu đất nước, dân tộc, lòng biết ơn và tự hào về truyền thống, sự tự tin vươn lên, tình gắn bó, đoàn kết, yêu thương...

GS.TS Trần Trí Dõi, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận tại Hội thảo.

GS.TS Trần Trí Dõi, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận về "Giả thiết những địa danh tương ứng giữa kinh đô Thăng Long với Cố đô Hoa Lư: Vấn đề phục dựng và khai thác giá trị hóa phục vụ cho hoạt động du lịch" đã trình bày những suy nghĩ về cách thức phục dựng hiện trạng những di tích có liên quan đến địa danh ở Cố đô Hoa Lư cũng như đề xuất cách thức khai thác giá trị văn hóa truyền thống của những địa danh đó, phục vụ cho hoạt động du lịch của tỉnh Ninh Bình.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

Nội dung tham luận "Giá trị của di sản tường thành Hoa Lư và kiến nghị" do PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam trình bày đã đánh giá di tích Cố đô Hoa Lư là một kinh đô rộng lớn và đặc biệt, dấu tích kiến trúc phong phú và đa dạng; di tích độc đáo nhất đã nhận biết là các tường thành. Do đó, Hội Khảo cổ học Việt Nam kiến nghị từng bước tiến hành nghiên cứu tổng thể toàn bộ cấu trúc các tường thành của Cố đô Hoa Lư, từng bước khôi phục toàn bộ diện mạo của Cố đô Hoa Lư theo nhiều hình thức, biến toàn bộ Kinh đô Hoa Lư thành Kinh đô kỳ vĩ của dân tộc vào buổi đầu của thời kỳ độc lập dân tộc thành công viên lịch sử-văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ X đầu thế kỷ XI.

GS.TS Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

GS.TS Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tham luận về nội dung "Bảo tàng hóa văn hóa dân gian trong cộng đồng-hướng đi đúng đắn trong phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể" đã nhấn mạnh các giải pháp để khai thác tốt tiềm năng này để di sản vừa được tồn tại sống động, vừa thu hút khách du lịch để những di sản trở nên sống động và tồn tại lâu dài cùng đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội cho tỉnh Ninh Bình nói riêng, cho Việt Nam nói chung, xứng đáng với những gì cha ông đã dày công xây dựng nên.

Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã trình bày nội dung về kinh nghiệm rút ra trong vùng có di sản văn hóa của Trung Quốc, nêu một số gợi mở đối với tỉnh Ninh Bình trong việc bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Qua nghe các tham luận cho thấy Việt Nam đã có sự nghiên cứu chuyên sâu về các di sản văn hóa, là kinh nghiệm để nâng cao ý thức bảo tồn, bảo vệ di sản. Bên cạnh đó cần quan tâm đến cơ sở pháp lý để cải tạo, phục dựng di sản; trong phát triển du lịch cần chú ý bảo vệ di sản; áp dụng KHKT, công nghệ để tăng cường số hóa hoạt động quản lý di sản...

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tham luận nội dung "Con đường di sản: từ Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X đến đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư thế kỷ XXI" đã đưa ra những nhận diện về Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X; đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư đầu thế kỷ XXI để từ đó khẳng định quá trình tiến tới một đô thị di sản thiên niên kỷ văn minh, hiện đại hàng đầu của cả nước và có tầm vóc quốc tế, cũng đồng thời là quá trình hoàn thiện dần các tiêu chí để Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

TS. Phùng Quốc Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Phùng Quốc Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã khẳng định những điểm tốt của Ninh Bình là mô hình trong quản trị vùng và địa phương, Ninh Bình hôm nay là bảo tàng về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa và xã hội. Do đó đề xuất 4 vấn đề cần quan tâm: các di sản văn hóa cần được quy hoạch tổng thể; phải bố trí nguồn lực của Nhà nước, Nhân dân và doanh nghiệp, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm"; làm tốt công tác quản trị vùng, huy động sự vào cuộc của người dân; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần hoàn thiện, sửa đổi Luật Di sản Văn hóa phù hợp với thực tiễn.

PGS.TS, KTS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận tại Hội thảo.

Hội thảo đã nghe PGS.TS, KTS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận về "Giá trị tiếp nối của hệ sinh thái di sản thiên niên kỷ vào phát triển đương đại" với các vấn đề: Di sản có thể được đưa vào xã hội thông qua mô hình hoạt động sáng tạo dành cho đô thị phát triển bền vững. Mô hình giá trị di sản thế giới thông qua dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và dịch vụ hệ sinh thái di sản. Văn hóa-lịch sử là động lực của kinh tế di sản trong phát triển vùng di sản và kết nối không gian di sản. Từ đó, cần thiết xây dựng khung đánh giá tiềm năng phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ; xác định cấu trúc lõi của đô thị di sản thiên niên kỷ.

PGS.TS Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham luận về "Phục dựng bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Việt Nam hiện nay" đã nêu quan điểm: Phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của quá khứ, đồng thời bổ sung thêm nguồn tài nguyên du lịch, nâng cao đóng góp cho ngân sách địa phương và quốc gia.

Buổi chiều, Hội thảo tiếp tục với các tham luận và thảo luận tại các phiên chuyên đề.

Báo Ninh Bình sẽ tiếp tục cập nhật nội dung của Hội thảo.

Phan Hiếu-Hồng Vân-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-phien-chuyen-de-nhan-thuc-chung-thuc-tien-giai/d2023122211598968.htm