Hội thảo quốc tế 'Minh Trị Duy Tân 150 năm: Nhìn từ Việt Nam'

Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2018), 150 năm thực hiện cải cách Minh Trị của Nhật Bản và kỷ niệm 25 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), ngày 22/11/2018, trường Đại học Kinh tế phối hợp cùng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, trường Đại học Việt - Nhật (đều thuộc ĐHQGHN) và trường Đại học Waseda, Nhật Bản tổ chức Hội thảo quốc tế 'Minh Trị Duy Tân 150 năm: Nhìn từ Việt Nam'. Hội thảo được tài trợ bởi Quỹ Japan Foundation và Trung Tâm hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á (ARC).

Tham dự Hội thảo có Ngài Umeda Kunio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, đại diện Văn phòng Chính phủ; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN và PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đại diện Ban tổ chức.

Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường sự hiểu biết về những thay đổi kinh tế, văn hóa và xã hội của Nhật Bản trong công cuộc thực hiện cải cách Minh Trị và ý nghĩa hiện đại của cải cách Minh Trị đối với các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam; nâng cao nhận thức và hiểu biết về hiện trạng quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh hội nhập và phát triển trên cơ sở nhìn nhận từ ý nghĩa hiện đại 150 năm thực hiện cải cách Minh Trị; xây dựng một mạng lưới học thuật với các nhà khoa học, học giả của ĐHQGHN, Đại học Waseda, Nhật bản và một số trường Đại học, Viện Nghiên cứu của Nhật Bản và Việt Nam.

Hội thảo được chia làm 2 phiên buổi sáng và buổi chiều. Phiên buổi sáng với chủ đề “Nhìn lại cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản”, gồm 3 bài trình bày của các học giả trong lĩnh vực lịch sử và khoa học xã hội nhân văn: GS. Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội; PGS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và giáo sư Furuta Motoo - Hiệu trưởng trường Đại học Việt - Nhật.

Trong phiên này cũng có sự tham gia thảo luận của GS. Vũ Minh Giang - chuyên gia cao cấp, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS. Võ Minh Vũ - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và ông Funayama Tetsu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Mitsubishi tại Việt Nam.

Phiên buổi chiều đã đi sâu vào các thành tựu, ý nghĩa của Minh Trị Duy Tân và sự phát triển kinh tế của Việt Nam, gồm 4 bài trình bày của các học giả trong lĩnh vực kinh tế: GS. Trần Văn Thọ - Đại học Waseda, Nhật Bản; bài viết của giáo sư Kenichi Ohno (GRIPS) do PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trình bày; TS. Karikomi Shunji - Đại học Waseda, Nhật Bản và PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Cuộc cải cách Minh Trị đã mang tới những thay đổi mạnh mẽ về cả chính trị, kinh tế và xã hội trong lòng nước Nhật. Những thành tựu của thời kỳ Minh Trị đã trở thành nền móng cho sự phát triển của nước Nhật hiện đại. Hội thảo này nhìn lại cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản cách đây 150 năm nhưng vẫn còn rất nhiều ý nghĩa với sự phát triển của nhiều quốc gia trong thời đại ngày nay.

Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản là “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai “Kế hoạch hành động” kèm theo “Chiến lược công nghiệp hóa” của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định AJCEP và Hiệp định VJEPA, mối quan hệ thương mại mang tính bổ trợ cho nhau.

Để Việt Nam thực hiện thành công “Chiến lược công nghiệp hóa” sự hỗ trợ và hợp tác của Nhật Bản là rất cần thiết đối với Việt Nam để phát triển 6 ngành công nghiệp ưu tiên, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua các hoạt động như hỗ trợ xây dựng chính sách pháp luật, xúc tiến đầu tư của Nhật Bản vào ngành công nghiệp hỗ trợ.

Hội thảo “Minh Trị Duy Tân 150 năm: Nhìn từ Việt Nam” đã tạo một diễn đàn để các nhà nghiên cứu và học giả Việt Nam và Nhật Bản trình bày và thảo luận kết quả nghiên cứu của mình về ý nghĩa hiện đại của cải cách Minh Trị trên các khía cạnh kinh tế và văn hóa cũng như mối quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh hội nhập và phát triển ngày nay.

Hội thảo này sẽ mở ra những hợp tác mới trong nghiên cứu giữa các trường Đại học thuộc ĐHQGHN và các trường Đại học Nhật Bản cũng như các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản, hướng tới giải quyết các vấn đề lớn về phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, Nhật bản và trong khu vực châu Á.

Thanh Huyền

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/hoi-thao-quoc-te-minh-tri-duy-tan-150-nam-nhin-tu-viet-nam.html