Hội thảo triển khai hợp phần xây dựng thị trường các-bon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn ở Việt Nam

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường và Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội thảo triển khai hợp phần nghiên cứu thí điểm chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn ở Việt Nam.

Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường của Bộ Xây dựng.

Với sự tài trợ của tài trợ bởi WB, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” (viết tắt là VNPMR).

Ông Trương Đức Trí - Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ tài nguyên và môi trường, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án VNMPR đã giới thiệu với các đại biểu về tổng quan về dự án VNMPR và định hướng xây dựng hệ thống chính sách về định giá các-bon ở Việt Nam.

Theo đó, tổng kinh phí của dự án rơi vào khoảng 78 tỷ đồng, bao gồm 65 tỷ đồng được WB viện trợ không hoàn lại và 13 tỷ đồng được trích ra từ Ngân sách Nhà nước. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai thực hiện trên toàn quốc trong thời gian 3 năm.

Dự án có 4 mục tiêu chính là nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA), NAMA tạo tín chỉ các-bon thông qua việc rà soát, bổ sung và ban hành một số chính sách, công cụ quản lý Nhà nước liên quan đến thị trường các-bon; Hình thành công cụ thị trường, hệ thống cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính và lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực chất thải rắn; Thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon, xây dựng hệ thống báo cáo các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép; Nâng cao kiến thức cho các cơ quan quản lý trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến thị trường các-bon và các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường các-bon.

Toàn cảnh Hội thảo triển khai hợp phần nghiên cứu thí điểm chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, dự án VNPMR.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đóng vai trò đơn vị chủ quản dự án, 4 Bộ khác sẽ tham gia dự án là: Bộ Xây dựng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Về phần Bộ Xây dựng, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường sẽ đóng vai trò cơ quan đầu mối triển khai hợp phần nghiên cứu thí điểm chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn (CTR) ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết: “Quá trình biến đổi khí hậu trong những năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân cũng như sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới. Liên Hợp Quốc đã tổ chức nhiều hội nghị để bàn cách giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Trong đó, sáng kiến thị trường các-bon của WB được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng là quốc gia có nhiều tiềm năng thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Báo cáo của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết, cả nước đang có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn (diện tích từ 1ha trở lên), bao gồm khoảng 130 bãi chôn lấp được đánh giá hợp vệ sinh. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt đô thị chủ yếu được xử lý bằng các phương pháp chuyển hóa thành phân vi sinh, chôn lấp và đốt.

Tuy nhiên, phương pháp chôn lấp CTR lại là tác nhân phát thải khí nhà kính lớn nhất trong các phương pháp xử lý. Năm 2014, hoạt động chôn lấp CTR đã phát thải hơn 5 triệu tấn CO2, chiếm 92% tổng lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động xử lý CTR. Con số này tăng lên hơn 5,7 triệu tấn CO2 và chiếm khoảng 96% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2016.

Tuy nhiên, cũng giống như các nước đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong công tác quản lý CTR. Mỗi năm, lượng CTR sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10 – 16%. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại các đô thị đạt khoảng 86% và tại nông thôn đạt khoảng 45 - 55%. Tỷ lệ CTR được chôn lấp hợp vệ sinh chiếm khoảng 60%. Bên cạnh đó, Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế về năng lực quản lý, kỹ thuật, công nghệ và cả nguồn lực quản lý CTR.

Với việc triển khai hợp phần nghiên cứu thí điểm chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon trong lĩnh vực quản lý CTR ở Việt Nam, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu: Tạo tín chỉ cho ngành CTR; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng quản lý CTR và phát thải khí nhà kính của ngành CTR; thí điểm các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tạo tín chỉ cho lĩnh vực quản lý CTR tại các cơ sở xử lý ở 3 tỉnh/thành phố thí điểm của Việt Nam, thực hiện nghiên cứu ứng dụng các công cụ thị trường cho ngành quản lý CTR sau năm 2020 và xây dựng lộ trình với kế hoạch thực hiện rõ ràng nhằm thí điểm NAMA tạo tín chỉ trong ngành CTR để ứng dụng được các cách tiếp cận công cụ dựa vào thị trường (MBIs).

Hợp phần sẽ bao gồm 3 nội dung: Đề xuất 3 bãi chôn lấp CTR làm thí điểm; nghiên cứu, đề xuất và xây dựng một số chính sách, công cụ quản lý nhà nước liên quan đến thị trường các-bon; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính, công cụ thị trường các-bon và lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực CTR; tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát và thực hiện các hoạt động về NAMA và NAMA tạo tín chỉ.

Ông Matthias Krey - Trưởng nhóm Chuyên gia cao cấp thị trường các-bon Perspectives Climate Group, đại diện của Cty tư vấn cho hợp phần.

Cũng trong thời gian diễn ra Hội thảo, ông Matthias Krey - Trưởng nhóm Chuyên gia cao cấp thị trường các-bon (quốc tế) Perspectives Climate Group, đại diện của Cty tư vấn đã giới thiệu về thị trường các-bon và các tác động đến hoạt động của dự án, dự thảo kế hoạch thực hiện dự án.

Đại diện Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm quản lý CTR tại địa phương.

Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội và Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Bình Dương cũng đã có những chia sẻ về hiện trạng và kinh nghiệm quản lý chất thải rắn tại địa phương. Đại diện cho đơn vị tư vấn kỹ thuật cũng trình bày về hiện trạng và dự báo phát thải khí nhà kính từ hoạt động quản lý chất thải rắn đô thị của Việt Nam.

“Vấn đề xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam nhằm đóng góp cho quá trình giảm phát thải khí nhà kính là một vấn đề rất mới. Hiện tại, Việt Nam chỉ mới bước vào giai đoạn chuẩn bị đầu tiên, trước khi tiến hành thiết kế và triển khai thực hiện. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo để cung cấp thông tin thống nhất về hợp phần và giới thiệu những công việc sẽ được triển khai trong hợp phần, cũng như nhiệm vụ của các bên tham gia”, ông Vũ Ngọc Anh cho biết.

Với sự giúp đỡ của những đối tác đáng tin cậy và đầy kinh nghiệm, Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh tin tưởng hợp phần của Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của các địa phương, đơn vị tư vấn và sự phối hợp của các Bộ, Ngành liên quan.

Dịch Phong

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/hoi-thao-trien-khai-hop-phan-xay-dung-thi-truong-cac-bon-trong-linh-vuc-quan-ly-chat-thai-ran-o-viet-nam.html